“Nếu không thuộc khuyến cáo chỉ định xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid mà tôi vẫn xét nghiệm cho yên tâm hoặc tôi xét nghiệm sai thời điểm thì hậu quả sẽ như thế nào ạ?“
Việc lạm dụng bừa bãi xét nghiệm antiphospholipid antibodies (aPL) có thể dẫn đến tình trạng chẩn đoán quá mức hội chứng kháng thể kháng phospholipid.
Một thí dụ, Dunn và c.s áp dụng lại tiêu chuẩn Saporo cho 103 bệnh nhân được chẩn đoán APS đang được điều trị tại 3 trung tâm lâm sàng: duy nhất chỉ có 10 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, 16 bệnh nhân có thể chẩn đoán và 71 bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán APS. 70 bệnh nhân có kết quả anticardiolipin antibodies (aCL) bất thường nhưng hơn một nửa trong đó (38/70) là có hiệu giá kháng thể thấp, xét nghiệm lặp lại sau 12 tuần chỉ được thực hiện ở 49 bệnh nhân [1].
Không phải cứ dương tính xét nghiệm antiphospholipid là bị hội chứng antiphospholipid và gây hậu quả. Thực tế việc lạm dụng xét nghiệm làm chúng ta thường xuyên bắt gặp tình trạng dương tính giả/ thoáng qua nhiều hơn. Tình trạng dương tính thoáng qua (tức chỉ dương tính lần đầu, sau đó xét nghiệm lại cách 12 tuần và những lần sau nữa đều âm tính) không có bằng chứng cho thấy ảnh hưởng đến thai kỳ.
Lạm dụng và chẩn đoán quá mức xét nghiệm antiphospholipid trước tiên gây tốn kém tiền bạc của gia đình bạn. Tiếp đó làm tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có cho sản phụ; stress là rối loạn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của cả mẹ lẫn thai nhi, tăng nguy cơ đẻ non do cường cortisol. Cuối cùng là dẫn đến những quyết định điều trị (liệu pháp chống đông) không cần thiết từ phía Y bác sỹ cho sản phụ. Thậm chí kéo dài sang cả những thai kỳ sau nữa !
Do đó cần tuân thủ chỉ định xét nghiệm và tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng antiphospholipid.
Ths. Bs. Nguyễn Đình Đông
Hi vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc, share/ re-up xin ghi nguồn. Cám ơn!
Tài liệu tham khảo:
1. Dunn A.S., Kaboli P., Halfdanarson T., et al. (2005). Do patients followed in anticoagulation clinics for antiphospholipid syndrome meet criteria for the disorder?. Thromb Haemost, 94(3), 548–554.