Hậu quả của hội chứng antiphospholipid đến thai kỳ chúng ta đã được hiểu rõ trong bài viết “Hội chứng antiphospholipid: Định nghĩa, phân loại, biểu hiện lâm sàng và hậu quả”.
Để làm rõ vấn đề này chúng ta cần phân biệt rõ ràng 3 khái niệm: (1) dương tính xét nghiệm antiphospholipid (aPL) thoáng qua, (2) dương tính xét nghiệm anti bền bỉ và (3) hội chứng antiphospholipid (APS). aPL gọi là dương tính khi 1 trong 3 chỉ số LA (+), aCL > 40 GPL/ MPL hoặc 99th percentile hoặc anti – b2GPI > 99th percentile.
aPL dương tính thoáng qua là khi chỉ 1 lần duy nhất (lần đầu dương tính, sau đó xét nghiệm lại sau 12 tuần âm tính) xét nghiệm dương tính.
aPL dương tính bên bỉ là khi có ít nhất 2 lần xét nghiệm dương tính cách nhau tối thiểu 12 tuần.
Hội chứng kháng thể kháng phospholipid được chẩn đoán khi cần ít nhất 1 tiêu chuẩn lâm sàng và 1 tiêu chuẩn xét nghiệm dương tính bền bỉ (xem hình dưới) [1].
Hội chứng antiphospholipid là nguyên nhân gây sẩy lưu thai liên tiếp (Recurrent Pregnancy Loss). Tuy nhiên không phải cứ bị hội chứng antiphospholipid là bị sẩy lưu thai, APS có thể gây ra nhiều bệnh lý và hậu quả khác nhau. Năm 2002, Cervera và cs. nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân bị APS cho thấy: 48% bị huyết khối tĩnh mạch sâu/ thuyên tắc phổi, chỉ 35% bị sẩy lưu thai, 30% giảm tiểu cầu, 24% Liverdo reticularis, 20% đột quị, 9% viêm tĩnh mạch nông, 7% thiếu máu tan máu.
Sẩy lưu thai do APS có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng thường gặp nhất là ở quí II. Cụ thể, 15% sẩy lưu thai sớm liên tiếp, 30% lưu thai quí II và III, 40% thai chậm phát triển và lưu thai muộn.
Phụ nữ dương tính bền bỉ xét nghiệm aPL có tăng nguy cơ hỏng thai lớn và liên tiếp [2]. Đồng thời có liên quan đến tăng tỷ lệ tiền sản giật – sản giật, rau bong non và thai chậm phát triển trong tử cung, tuy nhiên sự liên hệ này là yếu ớt hơn so với hỏng thai liên tiếp [3].
Tuy nhiên nếu aPL chỉ là dương tính thoáng qua thì hiện nay không có bằng chứng ảnh hưởng đến thai kỳ. Năm 2018, nghiên cứu của Hong Y. và cộng sự trên 219 phụ nữ Hàn Quốc cho thấy dương tính antiphospholipid ở ngay chu kỳ IVF đầu tiên không làm giảm tỷ lệ thành công IVF và cũng không gây tăng tỷ lệ sẩy lưu thai sau đó.
Mức độ ảnh hưởng của từng kháng thể anti-phospholipid đến các bệnh lý là khác nhau. Phân tích tổng hợp của Opatrny và cộng sự cho thấy kháng đông lupus (LA) liên quan đến sẩy lưu thai mạnh hơn các kháng thể kháng phospholipid khác, và cả hai kháng thể IgG và IgM của anti-Cardiolipin đều liên quan đến hỏng thai liên tiếp, trong khi vai trò của anti – beta 2 Glycoprotein I và sẩy lưu thai là chưa sáng tỏ [4].
Thực tế hội chứng antiphospholipid hiếm gặp, việc xét nghiệm không đúng chỉ định, không đúng thời điểm (lạm dụng xét nghiệm) dẫn đến tình trạng chẩn đoán quá mức bệnh lý này (dương tính giả, dương tính thoáng qua). Gây nên tâm lý tiêu cực và điều trị không cần thiết cho người bệnh, do đó chúng ta cần chỉ định đúng và phân tích kết quả thận trọng.
Ths. Bs. Nguyễn Đình Đông
Hi vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc, tác giả cám ơn nếu bạn share, re-up xin ghi nguồn.
Tài liệu tham khảo:
1. Lopes M.R.U., Danowski A., Funke A., et al. (2017). Update on antiphospholipid antibody syndrome. Rev Assoc Med Bras (1992), 63(11), 994–999.
2. Robertson B. and Greaves M. (2006). Antiphospholipid syndrome: an evolving story. Blood Rev, 20(4), 201–212.
3. Robertson L., Wu O., Langhorne P., et al. (2006). Thrombophilia in pregnancy: a systematic review. Br J Haematol, 132(2), 171–196.
4. Opatrny L., David M., Kahn S.R., et al. (2006). Association between antiphospholipid antibodies and recurrent fetal loss in women without autoimmune disease: a metaanalysis. J Rheumatol, 33(11), 2214–2221.