Sau mỗi một case bệnh khó thành công sẽ là một khoảng khắc hạnh phúc khó quên của cả người bác sỹ lẫn người bệnh. Một cảm giác lâng lâng khó tả, vui mừng có, hạnh phúc có, biết ơn có và ngưỡng mộ cũng có. Đó là những cảm xúc rất tự nhiên khi mà chúng ta đã cùng nhau đồng hành một quãng thời gian rất dài, vượt qua những trở ngại khó khăn nhất cho đến khi gặt hái được trái ngọt ngày hôm nay. Hành trình đó đã lấy đi bao nhiêu giọt nước mắt, những đau đớn và mất mát kèm theo đó cũng là sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bệnh nhân lẫn người bác sỹ.
Giữa năm 2021 tôi nhận được một tin nhắn “bác sỹ ơi, hôm nay là ngày 7 sau chuyển phôi em xét nghiệm beta hCG được 34.7 IU ạ, em chuyển 1 phôi ngày 5 đã sàng lọc loại 1, em thấy beta không cao như kỳ vọng. Lần chuyển phôi trước em cũng là phôi ngày 5 sàng lọc loại 1 nhưng bị sinh hóa sớm beta ngày 7 chỉ được 59 IU sau đó tụt còn 10 IU ở ngày 9 sau chuyển phôi. Em rất xin lỗi vì làm phiền bác sỹ vào ngày nghỉ nhưng mà với em bây giờ đang rất khó khăn ạ, em có thể tới khám bác sỹ ở đâu được ạ”. Đọc dòng tin nhắn nghe thật thương cảm làm sao, tôi cảm nhận được sự hoảng loạn và tuyệt vọng của bạn ấy dù chưa biết bạn ấy là ai và câu chuyện là như thế nào. Tôi đồng ý hẹn gặp !
Đến gặp tôi, hai vợ chồng bạn ấy với một tiền sử quá đỗi nặng nề:
– Mong con hơn 6 năm, chưa có con nào, khám xét tìm nguyên nhân vô sinh nhưng không rõ nguyên nhân: bạn vợ trẻ, không bệnh lý gì, dự trữ buồng trứng tốt, vòi trứng thông, tinh dịch đồ cũng tốt. Thế nhưng…
– 3 lần bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) năm 2017- 2018 thất bại
– IVF (thụ tinh ống nghiệm) chọc trứng 3 lần từ Nam ra Bắc, chuyển phôi hơn 10 lần với 6 lần thai sảy lưu, sinh hóa:
- Lần 1 (2017): Lưu thai 6 tuần, túi thai trống (có túi thai nhưng không có noãn hoàng và phôi bên trong)
- Lần 2 (2018): Thai sinh hóa, beta hCG 35 IU ngày 12 sau chuyển phôi (là có đậu thai, có beta hCG nhưng không có túi thai, sau đó hCG tụt về âm tính)
- Lần 3 (2019): Lưu thai 6 tuần, tiếp tục túi thai trống
- Lần 4 (6/2020): Thai sinh hóa, beta hCG 50 IU ngày 7 tụt còn 10 IU ngày 9 sau chuyển phôi
- Lần 5 (2020): Thai sinh hóa, chuyển phôi ngày 5 đã sàng lọc bộ nhiễm sắc thể phôi (PGT-A) bình thường, beta hCG ngày 7 (59 IU) → ngày 9 (tụt còn 10 IU)
- Lần 6 (2021): Thai sinh hóa, chuyển phôi ngày 5 đã sàng lọc (PGT-A) lần 2, beta hCG ngày 7 (35 IU) → ngày 8 (54 IU) → ngày 10 (59 IU) → ngày 12 sau chuyển phôi (27.6 IU).
- → Đến gặp tôi bạn chỉ còn 2 phôi N6 trung bình không làm sàng lọc phôi cuối cùng.
IUI 3 lần và IVF lần đầu bạn làm trong Sài Gòn, chuyển phôi vài lần có đậu thai 1 lần nhưng sau đó thai bị lưu (2017).
IVF lần 2 bạn về Hà Nội làm ở bệnh viện A, chuyển phôi tiếp thêm vài lần nữa thì có đậu thai 3 lần (lần 2-3-4). Ở đây bạn được xét nghiệm (6/2108) gen đông máu (dị hợp MTHFR, PAL-1) và đứt gãy ADN tinh trùng (66,4%) sau đó được xét nghiệm lại sau 6 tháng thì giảm còn 16% (12/2018), phân tích hệ miễn dịch máu (lympho T, B, NK máu) bình thường, nhiễm sắc thể hai vợ chồng bình thường, antiphospholipid bình thường, các xét nghiệm làm IVF/ chuyển phôi cũng bình thường hết. Khi được thực hiện nhiều loại xét nghiệm (chưa rõ có giá trị hay không) thì bạn có vẻ cảm thấy yên tâm hơn, có chút lòng tin hơn. Bạn được tư vấn do gen đông máu nên sẽ sử dụng rất nhiều thuốc sau chuyển phôi, khoảng 10 loại (đủ cả tiêm chống đông Lovenox, tiêm – uống – đặt nội tiết, thuốc ức chế miễn dịch, thực phẩm chức năng dạng Folate…). Cắn răng đau đớn chịu đựng từng mũi tiêm, nhưng rồi vẫn không 1 lần thành công, bạn đậu thai 3 lần nhưng 1 lần thai lưu – 2 lần thai sinh hóa liên tục. Lời giải thích được đưa ra: do tinh trùng kém nên phôi lỗi (bạn vợ năm đó 27 tuổi, dự trữ buồng trứng tốt). Bạn lại tay trắng 1 lần nữa !
Hết phôi – hết duyên, bạn chuyển làm IVF lần 3 ở bệnh viện B, lần này bạn chọc được 30 noãn tạo 5 phôi, 3 phôi Ngày 5 (N5) loại tốt và 2 phôi N6 loại trung bình.
Ở bệnh viện B, với 4 lần sảy lưu sinh hóa, các bác sỹ tư vấn bạn làm sàng lọc phôi (PGT-A) để chọn phôi có bộ nhiễm sắc thể (NST) bình thường sau đó chuyển. Bạn ấy quyết định sàng lọc 3 phôi N5 loại tốt, kết quả được 2 phôi bình thường, 1 phôi trisomy kép NST số 2 và 18 (hủy phôi).
4 lần mất mát và mong con đã quá lâu, các bác sỹ cho rằng chất lượng phôi bạn không tốt nên vậy do đó khuyến cáo sàng lọc phôi được đưa ra. Nghe cũng rất hợp lý do đó dù bạn rất sốt ruột nhưng cũng tràn đầy hi vọng vào lần chuyển phôi tới.
Tháng 6/2020 bạn tiếp tục chuyển 1 phôi N5 loại tốt đã sàng lọc bình thường. Thật trớ trêu thay, bạn lại tiếp tục bị thai sinh hóa 1 lần nữa. Cái cảm giác này phải mô tả như thế nào nhỉ: Hi vọng thật nhiều rồi lại thất vọng thật nhiều? phẫn nộ ? bất lực ? vô cùng bất lực ?…
Bạn phẫn nộ với số phận, bạn ngửa mặt lên trời một cách bất lực, bạn muốn hỏi trời cao kia rằng tại sao:
- Tại sao 2 vợ chồng bạn khỏe mạnh, khám xét đều bình thường mà mãi không có bé ?
- Tại sao 2 vợ chồng bạn khám xét đều bình thường bác sỹ tư vấn làm can thiệp hỗ trợ sinh sản là dễ, thuận lợi vậy mà 6 năm qua chữa chạy bạn chẳng thành công lấy 1 lần ?
- Tại sao bác sỹ nói do gen đông máu nên chuyển phôi không đậu, thai sinh hóa sảy lưu mà rất nhiều lần chuyển phôi sau đó bạn đều tiêm chống đông (Lovenox) nội tiết đủ loại mà 3 lần tiếp theo đậu thai vẫn hỏng ?
- Tại sao bác sỹ nói do phôi lỗi nên như vậy, sàng lọc phôi sẽ thành công thôi mà bạn chuyển phôi đã sàng lọc rồi vẫn tiếp tục bị thai sinh hóa lần nữa ?
Đứng trước tình huống này, bác sỹ ở viện B cũng quá khó để đối diện và giải thích sao cho hợp lý. Không thấy gì bất thường để đưa ra lý lẽ cho người bệnh, tạm thời nghĩ đến là do… “chưa rõ nguyên nhân”. Vì vậy, quyết định mổ thăm dò buồng tử cung được đưa ra kỳ vọng sẽ thấy gì đó (11/2020), nhưng rồi …. kết quả vẫn là… chưa thấy bất thường !
Quá cùng cực, bạn tìm đến 1 bệnh viện C (tháng 1/2021), nghe nói ở đó có thể làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn (gửi đi nước ngoài), nhiều bệnh nhân mách bạn đến đó. Bạn được gợi ý làm thêm các xét nghiệm:
– ERA test (Endometrial receptivity analysis test: Phân tích tính cảm thụ niêm mạc tử cung/ xác định cửa sổ làm tổ niêm mạc tử cung): → Kết quả: thời điểm thích hợp để chuyển phôi nang (ngày 5,6) là giờ thứ 122 ± 3 giờ. Tức là mở cửa sổ 5.08 ngày cũng tương đương theo phác đồ truyền thống.
– EMMA test (Endometrial Microbiome Metagenomic Analysis: Phân tích hệ sinh vật nội mạc tử cung) → Kết quả: Hệ sinh vật nội mạc tử cung người bệnh là tối ưu cho sinh sản, chỉ hơi thấp hệ lợi khuẩn, đề nghị bổ sung thêm Lactobacillus.
– ALICE test (Analysis of Infectious Chronic Endometriosis: Xét nghiệm phân tích chẩn đoán tình trạng viêm nội mạc tử cung mạn tĩnh): → Kết quả: bình thường
– Uterine Immune Profiling – Physician (xét nghiệm phân tích hệ miễn dịch tử cung): → Kết quả: Các cytokine, tế bào NK tử cung, bổ thể và các miễn dịch khác: bình thường.
Thực ra, bạn ấy đã nói chuyện với tôi xin tư vấn (do bạn ấy được bệnh nhân cũ của tôi giới thiệu) trước khi làm 1 loạt những xét nghiệm này, tôi khuyên bạn không nên làm vì bằng chứng về giá trị và hiệu quả là không rõ ràng (không có gì hứa hẹn sẽ thành công cả) và sẽ rất tốn kém (loanh quanh 50tr).
Nhưng rồi bạn vẫn quyết định làm, có lẽ vì bạn chỉ còn 1 phôi đã sàng lọc duy nhất và bạn muốn tìm ra 1 cái gì đó để hi vọng. Tháng 5/2021 bạn chuyển nốt 1 phôi N5 đã sàng lọc cuối cùng, lần này bạn được điều chỉnh theo các kết quả thăm khám trên: bổ sung Lactobacillus âm đạo, chuyển phôi theo ERA test giờ thứ 122, tiêm thêm Lovenox ngay sau chuyển phôi.
Đây là lần chuyển phôi thứ bao nhiêu của bạn tôi cũng không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ rằng là phôi sàng lọc cuối cùng bạn có và là lần thứ 6 mà bạn đậu thai. Bác sỹ dặn ngày 12 hãy thử beta hCG không nên thử sớm, nhưng với tiền sử như vậy chắc bạn chẳng thể đủ kiên nhẫn. Mòn mỏi và chờ đợi từng ngày, hồi hộp và lo lắng đến cực độ, vào ngày 7 sau chuyển phôi bạn đã không thể chờ thêm được nữa, bạn lấy máu thử beta hCG sớm. Phải mô tả như thế nào nhỉ, cái cảm giác chờ kết quả, chờ xem con số hCG là bao nhiêu, là cao hay thấp. Hơn 10 lần rồi đã phải chờ đợi như vậy, 5 lần trong số đó beta lên nhún nhún (mừng rỡ) rồi lại tụt (thất vọng), cảm giác con yêu đã đến trong tầm tay nhưng lại vụt mất, còn hơn cả sự đày đọa và khủng bố tinh thần. 35 IU/L là con số beta hCG lần này, vẫn là 1 con số thấp, tiên lượng khả năng cao thai tiếp tục bị sinh hóa. Những ngày sau đó beta hCG lên được 54 IU (ngày 8), rồi 59 IU (ngày 10), cuối cùng đến ngày 12 sau chuyển phôi chỉ còn 27.6 IU và về âm tính (4.2 IU) ở ngày 15. Nhiều lúc nghĩ, thà âm tính luôn cho rồi để cảm xúc đỡ bị hành hạ, cứ dặt dẹo lên lên xuống xuống như những lần trước thật sự là… quá khổ mà!
Dù rất cố gắng nhưng tôi cũng chẳng thể giúp bạn cứu vãn tình trạng thai sinh hóa lần này (thực tế không hề có loại thuốc nào hỗ trợ beta thấp, mấu chốt phải xác định được nguyên nhân beta thấp – thai sinh hóa là gì và lựa chọn thời điểm can thiệp thích hợp, nếu đúng nguyên nhân nhưng can thiệp trễ thì cũng thất bại). Không chỉ là người bệnh mà ngay cả các bác sỹ chuyên về hỗ trợ sinh sản như tôi khi đọc đến đây cũng cảm thấy trống rỗng và bất lực. 1 trường hợp quá quá khó, không thể giải thích nổi vì sao !
An ủi, động viên bạn cố gắng vượt qua thất bại lần này, cứ ngỡ thất bại quá nhiều lần sẽ làm bạn trơ lỳ cảm xúc đi, nhưng chuyện con cái khó nói lắm, dù là sắt đá cũng tan chảy mà thôi. Tôi để lại tin nhắn “Anh sẽ tìm hiểu kỹ y văn trường hợp của em, em tạm thời nghỉ ngơi 1 thời gian ngắn đợt nghĩ lễ này. Gửi cho anh tất cả các xét nghiệm em đã làm. Anh sẽ cố gắng tìm kiếm Y văn xem có giúp được gì thêm cho em không. Em còn phôi không, kể cả phôi chưa sàng lọc ?”. (Bạn còn 2 phôi N6 loại trung bình không sàng lọc).
Nghề bác sỹ, chúng tôi phải học suốt đời. Kiến thức Y học luôn luôn được cập nhật từng ngày, đặc biệt chuyên ngành của tôi vẫn còn rất nhiều mới mẻ. Tôi cũng không ngần ngại hay xấu hổ khi trả lời người bệnh rằng “trường hợp của em khó đấy, tôi cũng chưa biết xử trí như nào, có lẽ tôi cần thêm thời gian để nghiên cứu thêm”. Với tôi mà nói, hiệu quả và an toàn của người bệnh được ưu tiên lên hàng đầu, tôi rất thích đào sâu và đi đến tận cùng của vấn đề đặc biệt những trường hợp khó, tôi cũng không giỏi “chém gió” giải thích loanh quanh cho xong chuyện. Vậy là tôi gác danh dự mình sang 1 bên, để lại cho bạn 1 lời hứa.
Ngoài công việc, tôi còn gia đình, do đó tôi khá bận và ít quĩ thời gian rảnh. Tôi không quên nhắn nhủ 2 vợ chồng bạn “Nếu thấy lâu thì nhắc lại anh nhé!”. Mất khoảng hơn nửa tháng, bạn nhắn nhắc lại tôi “Anh ơi tuần này bọn em tới anh được chưa ạ? Nhưng mà nếu anh cần thêm thời gian thì bọn em chờ thêm được ạ. Vì bọn em cũng làm hết tất cả mọi thứ rồi, nên giờ bọn em cũng chỉ biết hi vọng ở bác sỹ để có hướng điều trị mới thôi ạ, nếu anh cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn thì bọn em chờ đợi được ạ”. Tôi cũng đã sẵn sàng cho cuộc hẹn gần nhất.
Lâu nay chúng ta vẫn thường giải thích nguyên nhân gây thai sinh hóa chủ yếu là do bất thường NST của phôi nhưng lại không có bằng chứng chắc chắn nào để khẳng định cho giả thiết này. Cũng chính vì giả thiết này chúng ta thường hay nghĩ đến việc sàng lọc phôi cho những trường hợp sảy lưu, sinh hóa nhiều lần. Thế nhưng nghiên cứu của Alberto V. et al (2018) làm chúng ta phải suy nghĩ lại, tác giả so sánh tỷ lệ thai sinh hóa ở 3 nhóm: Nhóm A (gồm 641 lần chuyển phôi đông lạnh với 1179 phôi N3), nhóm B (gồm 1021 lần chuyển phôi đông lạnh với 1259 phôi N5,6 không sàng lọc), nhóm C (gồm 789 lần chuyển phôi đông lạnh với 803 phôi N5,6 được sàng lọc NST bình thường). Kết quả cho thấy tỷ lệ thai sinh hóa ở 3 nhóm này là tương tự nhau không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (lần lượt là 13.8, 9.0 và 9.7%). Các tác giả không tìm thấy mối liên hệ giữa giai đoạn phát triển của phôi (phôi N3 hay N5,6) hay việc sàng lọc phôi liên quan đến thai sinh hóa. Hiện tượng thai bị sinh hóa là độc lập không liên quan đến tuổi phôi hay việc có sàng lọc bộ NST của phôi hay không , do đó nên tập trung vào nghiên cứu về vai trò của niêm mạc hay các yếu tố khác của phôi trong quá trình làm tổ.
Bước ngoặt đến từ đây, chúng ta cùng nhìn lại toàn bộ hành trình của bạn ấy: chuyển phôi N3 hay N5, được sàng lọc hay không được sàng lọc… đều bị thai sinh hóa hết. Rất khớp với nghiên cứu trên, như vậy khả năng cao nguyên nhân liên quan đến các yếu tố khác của phôi và niêm mạc tử cung. Yếu tố khác của phôi sẽ là các yếu tố ở nhiều cấp độ di truyền khác nhau: từ bào tương, nhân tế bào, NST, gene, thượng di truyền … và đến nay chúng ta cũng chưa biết rõ chúng là gì. Chúng có thể liên quan đến nhiều bất thường mà chúng ta có thể “tạm” khảo sát, ví dụ như phân mảnh ADN tinh trùng cao (tuy nhiên đến nay có nhiều nghiên cứu cho các kết quả không thống nhất do đó chưa thể đưa đến khẳng định)… và chúng ta cũng không thể can thiệp loại trừ ở phôi mà nên tìm cách cải thiện tận gốc (trước khi làm IVF tạo phôi) mới có ý nghĩa. Hai vợ chồng bạn ấy vẫn còn 2 phôi N6 loại trung bình cuối cùng do đó chúng tôi không tập trung vào việc tìm cách cải thiện chất lượng phôi nữa (dành cho chu kỳ IVF sau nếu lần này thất bại hết phôi) mà tập trung vào việc tìm vấn đề và xử lý bất thường ở niêm mạc tử cung.
Hành trình của chúng tôi tiếp tục, tôi tiến hành cải thiện miễn dịch hệ thống (một thời gian) và làm thủ thuật nhằm thay đổi môi trường niêm mạc tử cung cho bạn trước khi chuyển phôi. Đủ điều kiện chúng tôi bước vào giai đoạn chuẩn bị niêm mạc, ở chu kỳ này chúng tôi gặp một chút trắc trở ban đầu do việc không khớp phác đồ giữa tôi và các bác sỹ bệnh viện B, tôi cố gắng điều chỉnh sao cho hợp lý nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hiệu quả và tôn trọng đồng nghiệp tối đa (độ dày niêm mạc bạn bị đuối do phác đồ khởi đầu chưa hợp ý, nhưng sau điều chỉnh cũng đạt yêu cầu). Chuẩn bị niêm mạc có 2 pha: pha 1 chúng ta làm cho niêm mạc dày lên (8-14 mm) với hình thái, tưới máu tối ưu, đẹp nhất; pha 2 chúng ta dùng thuốc để niêm mạc chuyển dạng, pha này rất quan trọng là phải dùng thuốc gì? dùng liều bao nhiêu là đủ? nếu thừa, nếu thiếu sẽ không tốt cho việc đậu phôi. Cá thể hóa chu kỳ niêm mạc là điều chỉnh linh động các phác đồ sẵn có phù hợp với từng người bệnh, không ai giống ai. Tôi động viên bạn theo khám song song ở pha 1, còn pha 2 tôi sẽ sát sao tuyệt đối cho bạn.
Tiếp tục tìm đọc thêm những nghiên cứu khác về các vấn đề liên quan sâu với nội mạc tử cung, tôi quyết định cần khảo sát 1 số yếu tố có thể hữu ích ngay từ giai đoạn sớm chứ không chờ đợi chuyển phôi xong. Thật vậy, ở pha 1 tôi phát hiện bạn có tình trạng tăng đông máu xuất phát từ lớp niêm mạc không rõ nguyên nhân (có thể là bất thường tiềm ẩn ở niêm mạc hoặc đáp ứng của cơ thể với các thuốc đang sử dụng, không liên quan đến gen đông máu) , còn ở pha 2 thì nồng độ nội tiết của bạn nhiều quá. Tôi đưa ra 1 quyết định mà có lẽ nhiều đồng nghiệp sẽ thấy “dị” là cho bạn sử dụng thuốc chống đông (Lovenox) từ giữa pha 1 chuẩn bị niêm mạc (đã sạch kinh) và rút bớt nội tiết của bạn ở pha 2. Bước đầu tiên thuận lợi, đến trước chuyển phôi 1 ngày tất cả mọi thứ bất thường của bạn đều được đánh giá lại đều về bình thường, đạt yêu cầu của tôi có thể chuyển phôi.
Đến ngày chuyển phôi, tất cả mọi thứ tốt đẹp trong tầm khả năng tôi đã “dốc hết ruột gan” đủ cả cho gia đình bạn. Tôi nhắn chúc bạn lần này may mắn, vất vả nhiều rồi. “Em cám ơn anh, em chỉ mong được bám bác sỹ 9 tháng nữa theo dõi thai thôi ạ” – bạn trả lời tin nhắn của tôi.
…
Vẫn như cũ cứ ngày 7 sau chuyển phôi là bạn lại thử beta hCG sớm. Nín thở chờ kết quả…. 60.87 IU/L. Bạn nhắn tin hỏi tôi “có thấp không anh? có phải thêm thuốc gì không anh? ” beta hCG ngày 7 sau chuyển phôi 3 lần gần nhất của bạn lần lượt là 50 – 59- 35 IU. “Kết quả này là không thấp, tiên lượng chưa có gì xấu, ít nhất là đều cao hơn những lần trước, sau 48h xét nghiệm lại không cần thêm thuốc gì” – tôi động viên bạn. Nói thế thôi, vẫn lo lắm, tiền sử thế chẳng thể yên tâm sớm được, ngay cả tôi cũng vậy !
Sau 48h, chúng tôi thử lại beta hCG, kết quả … 197.92 IU (tăng tối thiểu gấp 1,5 lần là đạt yêu cầu). “Trộm vía chưa bao giờ beta hCG của em lên được như này anh ạ, bọn em happy vô cùng mà cũng tiếc cực kỳ vì không tới anh sớm hơn. Huhu”. Biết nói sao được nhỉ, mọi chuyện đều là … cái duyên ! Đừng tiếc nuối và tự trách, hãy thư giãn và lạc quan, điều đó tốt hơn cho tương lai.
48h chúng tôi lại thử beta tiếp lần nữa, “anh ơi beta có tăng không ạ? Cả nhà em nín thở mãi, sắp ngất rồi anh ạ !”. Ôi thật lòng, tôi cũng cảm thấy tức cái lồng ngực cùng với người bệnh của mình. Beta hCG được 497.2 IU, hôm đó là ngày 11 sau chuyển phôi. Tất cả chúng tôi như vỡ òa !
Thuận lợi tiếp tục thuận lợi, ngày 21 sau chuyển phôi thai đã ở buồng tử cung (chuyển 2 đậu 1) và đã có noãn hoàng, hình dạng túi thai và noãn hoàng rất đẹp tiên lượng khả năng thành công cao (những lần trước túi thai đều trống, hình dạng xấu, chưa từng có noãn hoàng, phôi và tim thai bao giờ). Tôi tiếp tục hẹn ngày 28 sau chuyển phôi tái khám để siêu âm tim thai, tất cả chúng tôi đều đang ngóng chờ khoảng khắc này.
Còn 1 ngày nữa là đến lịch khám thì tôi nhận được tin nhắn “bác sỹ ơi em vừa bị ra máu đỏ, em không có biểu hiện gì cả, 1-2 giọt máu thấm, như này có đáng sợ không anh?”. Thực ra tỷ lệ thai quí 1 ra máu, dịch nâu hồng âm đạo rất thường gặp, thai IVF còn nhiều hơn; nếu ra ít, không đau bụng thì hầu hết tiên lượng tốt. Tôi kê thêm chút thuốc, động viên và dặn dò nghỉ ngơi + bình tĩnh, khi đỡ sẽ tái khám luôn. Vài tiếng sau tôi tiếp tục nhận tiếp tin nhắn thứ 2 khiến tôi tức tốc cầm máy gọi điện “bác sỹ ơi máu ra nhiều lắm rồi ạ” – bạn khóc nức nở, nói chẳng tròn câu chữ.
Ông trời thật biết đùa giỡn, tiền sử như vậy giờ lại ra máu dọa sảy, nguy cơ sảy thật cũng rất cao mà có khi sảy rồi ấy chứ, có là chiến binh thì cũng gục ngã mất thôi. Tim thai con còn chưa kịp nghe lấy 1 lần cơ mà… Nghĩ thật chua chát và hoảng loạn! Vẫn phải bình tĩnh thôi, đâu còn có đó, giờ này nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng cơ thể lẫn tinh thần là biện pháp điều trị quan trọng nhất. Tôi động viên bạn nhập viện gần nhất cấp cứu, chắc chắn tinh thần sẽ tốt hơn ở nhà.
“Anh ơi em vào viện khám thai vẫn còn nguyên anh ạ, trộm vía có tim thai rồi anh ạ 121 nhịp/phút, sau khi dùng đơn thuốc anh kê cả ngày nay em không thấy ra máu nữa rồi ạ, bọn em cũng đỡ lo đi phần nào”. Lần đầu tiên trong đời bạn được nghe tiếng tim thai con, “bùm bụp…bùm bụp…bùm bụp…” đều thật đều… cái âm thanh mà với người phụ nữ khác nó thật dễ dàng làm sao nhưng với bạn thì quá đỗi sa sỉ. Giây phút đó có lẽ tuyệt vời lắm, bạn ấy là cô gái đa cảm, tôi đoán bạn sẽ khóc nức nở, hoặc sẽ bấu vịn cấu chồng rất đau mà khóc. Tôi cũng nhẹ nhõm hẳn, giãn hết cơ mặt. Chẹp…
Các bác sỹ ở viện có đề nghị bạn ấy ngừng chống đông (Aspirin + Lovenox) vì đang ra máu. Bình thường nếu dùng 2 loại thuốc này theo kiểu bao vây, dự phòng, theo kinh nghiệm (không rõ hiệu quả)… thì tôi rất đồng ý. Vì có bằng chứng cho thấy nếu có thai bị ra máu âm đạo mà tiếp tục dùng chống đông thì tỷ lệ sảy thai còn cao hơn là ngừng thuốc. Với trường hợp của bạn thì có bằng chứng cho thấy lợi ích khi sử dụng thuốc ở giai đoạn thai sớm, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy tác hại. Thực sự lúc đó tôi rất đắn đo, vì tiền sử bạn rất quá đỗi mất mát nên chỉ tính toán sai 1 ly là có thể tất cả sẽ ngã về “0”. Quyết định phải thật chính xác và khéo léo, tất cả mọi hi vọng người bệnh đặt cả vào tôi khiến tôi áp lực vô cùng.
Thấy tình trạng ra máu đỡ hẳn, xét nghiệm cũng chưa thực sự về ổn, tôi ngỏ ý tiếp tục duy trì đơn thuốc vì chưa muốn ngừng khi thai còn sớm quá như vậy. Đồng thời theo dõi sát tình trạng ra máu âm đạo và thai, có thể ngừng thuốc bất cứ khi nào thấy nguy cơ lớn hơn lợi ích. Tuyệt nhiên bạn tin tưởng tôi tuyệt đối, tôi cũng rất mừng vì điều đó, giúp tôi tự tin hơn khi đưa ra các quyết định điều trị.
…
“Bác sỹ ơi, hơi chán là em lại thấy ra 1 xíu máu tươi rồi ạ, 1 vệt nhỏ thôi, hiện tại em không đau bụng và cũng không thấy ra máu ồ ạt như hôm trước. Em nên làm gì tiếp theo ạ ?” – Lúc này bé con cũng được khoảng 9 tuần, mốc thai mà các gai rau đã mạnh mẽ hơn nhiều so trước, đánh giá lại các xét nghiệm trộm vía đều ổn, tôi quyết định ngừng chống đông và 1 số thuốc khác, chỉ duy trì 2 loại nội tiết thai IVF. “Ngừng hẳn luôn á bác? “ – mắt bạn chữ A miệng chữ O. Có vẻ hơi đường đột, tôi cười nhẹ. Mấy bạn hiếm muộn, thai sảy lưu này là thêm thuốc thì dễ, còn ngừng thuốc thì khó vô cùng, thuốc thang nó có phải là miếng thịt, ngụm nước đâu mà để tâm trí bị nô lệ nó quá. Tôi động viên: “ngừng thôi em, lúc này tiêm thuốc chưa chắc có lợi bằng ngừng thuốc”. Bạn ấy tươi cười và sẵn sàng giảm bớt cái sự … khổ đi cho nhàn cái thân !
Trời thương, trộm vía từ lần này mọi thứ ổn hơn, bé con vẫn đều đều phát triển, qua được mốc 12 tuần là nhẹ nhõm hẳn (98% ổn). Nhưng vẫn nọ nó xọ cái kia, con xinh xắn lành lặn nhưng cái dây rốn “dở hơi” lại đi cắm vô…màng ối (dây rốn bám màng), tăng nguy cơ thai chậm phát tiển, mất tim thai muộn gấp 4 lần bình thường nhưng không thể can thiệp được trước sinh. Cần theo dõi sát thai kỳ và lựa chọn thời điểm và cách thức sinh hợp lý. Còn lại ổn hết, chỉ vài lần đau đầu quá bố cháu phải cầu cứu bác “bác sỹ ơi vợ em đỡ đau đầu rồi bác ạ. Em cám ơn bác sỹ nhiều chứ em sợ quá. May lúc đó có bác sỹ chứ không em cuống quá không biết làm sao”. 😆
Từ 36 tuần bé con hơi chậm tăng cân, may mắn con vẫn máy rất tốt và đều, chúng tôi bắt đầu thảo luận về ngày tháng mổ lấy thai. Sát ngày mổ sinh, cũng là ngày buồn nhất cuộc đời tôi, người cha thân yêu rời tôi mà đi xa, tôi chỉ kịp gửi lại dòng tin nhắn “Ngày mai hai mẹ con mẹ tròn con vuông nhé. Yên tâm mọi chuyện sẽ tốt lành !”.
…
“Con chào bác Đông ạ, trộm vía vượt qua cả sự mong đợi của bố mẹ con, cháu được 2,9 kg ạ. Trộm vía cháu háu ăn, giọng choe chóe đòi ăn to nhất phòng ạ. Con cám ơn bác sỹ đã đồng hành cùng cả nhà con, mẹ con đợi mãi mới tới khi con sinh ra mới dám thở phào khoe con với bác. Bác sỹ Đông idol” – sau 2 ngày tôi nhận được tin vui của gia đình bạn ấy, cũng là lúc tôi hiểu sứ mệnh của mình đã hoàn thành.
Mỗi em bé chào đời bình an nhờ có những đóng góp từ trái tim và khối óc của tôi như một món quà mà thượng đế ban tặng, là mỗi sắc màu tô điểm trong hành trình cuộc đời. Tôi lấy đó là niềm hạnh phúc và động lực mỗi ngày.
“Công chúa ngày 6” – chào mừng con đến với thế giới này, yêu thương nhiều.

Kiến thức mang về:
- Vô sinh không rõ nguyên nhân không phải không có nguyên nhân mà là tìm nguyên nhân nhưng…không ra. Đó cũng là những hạn chế của trình độ khoa học, Y học đương thời. Thường nguyên nhân thực sự ẩn giấu sẽ là những bất thường ở cấp độ rất nhỏ ở vợ, chồng hoặc cả hai. Mà những gì “nhỏ” quá thường khó trị và có thể tiềm ẩn những hệ quả kéo theo ở các giai đoạn sinh sản khác nhau sau đó. Trong IVF, vô sinh không rõ nguyên nhân trên 8 năm là yếu tố tiên lượng tỷ lệ đậu phôi thấp.
- Chuyển phôi thất bại liên tiếp là vân đề khó. Hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi từ định nghĩa, các xét nghiệm khảo sát cho đến thực hành điều trị. Bản thân việc chuyển phôi nhưng không đậu thai là một hiện tượng bình thường, không phải bệnh lý (tỷ lệ “rơi rụng” của 1 phôi thai từ khi được thụ tinh cho đến khi sinh ra 1 em bé khỏe mạnh ở thai kỳ tự nhiên và IVF là tương tự nhau). Trong quá trình làm tổ, phôi là yêu tố quan trọng nhất do đó thất bại làm tổ chủ yếu có nguyên nhân nguồn gốc thuộc về phôi, các yếu tố thuộc về niêm mạc hoặc bệnh lý mẹ là rất hiếm gặp.
- Phôi đã sàng lọc không có gì “thần thánh” cả và việc sàng lọc phôi đang bị “xem xét” về giá trị trong thực tế. Nhiều bạn nghĩ sàng lọc phôi để con không bị dị tật, để tỷ lệ đậu cao hơn, để thai không bị sảy lưu… là không được đúng. Vì những giới hạn của sự hiểu biết và trình độ khoa học kỹ thuật nên khi chuyển phôi đã sàng lọc cũng không tránh khỏi được việc thất bại làm tổ, ước tính tỷ lệ không đậu thai là khoảng 19-33% tùy theo định nghĩa về thất bại làm tổ của các nghiên cứu. Còn quá nhiều yếu tố khác (thuộc về phôi) ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu như tuổi phôi, hình thái phôi, phân độ trophoectoderm, các cấp độ di truyền… Bản thân phôi đã sàng lọc vẫn có tỷ lệ sảy lưu thai khoảng 7-30% tùy thuộc từng nghiên cứu và cách can thiệp, tỷ lệ này không giảm so với thai tự nhiên hay phôi không sàng lọc (trừ trường hợp nguyên nhân lưu thai do đột biến NST bố mẹ). Tỷ lệ lưu sảy của phôi đã sàng lọc có thể can thiệp được (để giảm ở mức thấp nhất), chính là việc cá thể hóa cho từng bệnh nhân trước – trong và sau chuyển phôi.
- Đứt gãy/phân mảnh ADN tinh trùng cao phải làm IVF, mà thậm chí phải sàng lọc phôi mới có con được/ mới giữ được thai. Chúng ta có những bằng chứng về vai trò của đứt gãy ADN tinh trùng trong sảy lưu thai, tuy nhiên chỉ ở mức độ trung bình, cũng cần nghiên cứu thêm. Còn đối với với vô sinh, thụ tinh ống nghiệm, thất bại làm tổ thì giá trị còn rất tranh cãi. Cũng không thiếu những nghiên cứu lớn cho thấy đứt gãy ADN tinh trùng cao không ảnh hưởng đến kết cục (outcome) của chu kỳ IUI hay IVF/ICSI (tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi, tỷ lệ đậu thai, tỷ lệ sảy lưu, tỷ lệ thai dị tât, tỷ lệ mẹ tròn con vuông) và thất bại làm tổ nhiều lần (Recurrent implantation failure). Không có bằng chứng nào cho thấy việc sàng lọc phôi sẽ giảm tỷ lệ lưu thai do có thể liên quan đến đứt gãy ADN tinh trùng cao. Những bất thường do đứt gãy ADN tinh trùng gây ra trên phôi thai (bản thân khoa học cũng chưa biết rõ) có lẽ nhỏ hơn cấp độ NST cái mà kỹ thuật sàng lọc phôi hiện nay không khảo xát được. Do dó, đứt gãy ADN tinh trùng cao không phải chỉ định để làm thụ tinh ống nghiệm, lại càng không phải chỉ định phải sàng lọc phôi. Việc tư duy “đứt gãy ADN tinh trùng cao làm thai dị tật, thai dị tật thì phải sàng lộc phôi” là còn quá thô sơ và đơn giản, điều này chưa đúng. Những tổn thương di truyền của tinh trùng chủ yếu liên quan đến lối sống không tốt của nam giới, những hệ lụy sinh sản do tổn thương này gây ra nên được xem xét xử lý cải thiện tận gốc thông qua điều chỉnh lại lối sống. Điều này tuyệt nhiên được ủng hộ.
- ERA test (xác định cửa sổ làm tổ niêm mạc tử cung): nhiều năm trước giá trị của chúng ở dạng tiềm năng, nhưng cho đến nay các nghiên cứu chất lượng tốt nhất cho ra kết quả làm nhiều người “ngã ngửa”: ERA test không hiệu quả cải thiện tỷ lệ đậu phôi trong mọi trường hợp (bất chấp tuổi mẹ, tuổi phôi, phôi có sàng lọc hay không…) thậm chí có thể gây hại (giảm tỷ lệ trẻ sinh sống và tốn kém). Tương tự, chúng ta thiếu bằng chứng về hiệu quả của các thăm dò miễn dịch: tế bào NK máu – tử cung, các cytokines máu – tử cung, hệ vi sinh âm đạo, gen đông máu hay bất tương thích HLA… liên quan đến thất bại làm tổ liên tiếp.
- Chỉ 3% phụ nữ sảy lưu thai liên tiếp cần đến liệu pháp chống đông, việc dự phòng – bao vây – theo kinh nghiệm không được ủng hộ vì tính hiệu quả và an toàn.