Tôi may mắn cũng hay được chính đồng nghiệp của mình nhờ điều trị và trở thành người bệnh của tôi, đàn em khóa dưới tôi cũng có mà khóa anh chị của tôi cũng có. Âu cũng là một sự tin tưởng, cũng là một áp lực lớn hơn và tôi vui vẻ tiếp nhận.

2021, vợ chồng cô em dưới tôi 4 khóa ở Đại học Y Hà Nội, hiếm muộn, buồng trứng đa nang, 2 lần lưu thai tự nhiên nhờ tôi điều trị có con và giữ thai cho em ấy. Trộm vía ngay lần đầu điều trị vợ chồng em ấy có thai và hạ sinh 1 bé trai kháu khỉnh đầu 2022. Kể ra tôi cũng ngại và có phần chần chừ không muốn nhận bởi lẽ em ấy ngưng tiếp tục điều trị ở chính cô giáo của tôi để chuyển sang tôi. Mà cũng không hẳn là vì cô giáo của tôi mà ngay cả nếu đang điều trị dang dở ở đồng nghiệp khác rồi chuyển ngang tôi cũng nhíu mày muốn từ chối, một phần vì muốn tôn trọng đồng nghiệp, một phần không muốn lắm thầy thì nhiều ma trừ phi là một ca khó và rất hấp dẫn tôi.

Đầu tháng 7 năm nay, cô em khóa dưới ấy lại tiếp tục gửi gắm tôi đứa em của mình nhờ tôi giúp: 26 tuổi, mong con 6 tháng, dự trữ buồng trứng thấp (AMH = 0,5), thường xuyên canh rụng trứng để quan hệ, 2 lần bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) trước đó thất bại. Em đến gặp tôi nhờ làm IVF (thụ tinh ống nghiệm), tôi can ngăn khuyên em ấy chưa nên vội vàng như vậy. Khai thác kỹ hóa ra 2 lần IUI thất bại trước đó của em ấy là sự cố về chuyên môn đơn thuần. 2 lần IUI em đều được kích trứng nhẹ, nang trứng mới 12 mm (nang trội, chưa trưởng thành) đã tiến hành bơm tinh trùng, không tiêm rụng trứng và hỗ trợ hoàng thể (Progesterone) ngay thời điểm đó. Thường thì như vậy có thể sẽ gây rối loạn phát triển nang trứng, ức chế phóng noãn tự nhiên và ra kinh sớm. Kết quả em không đậu thai vì không có trứng rụng và kinh nguyệt đến sớm. 2 chu kỳ liên tục như vậy, em được bơm IUI 2 lần ở 2 chu kỳ kinh khác nhau mà chỉ cách 18 ngày…!?. Khám xét 2 vợ chồng em hoàn toàn bình thường, dù quan hệ đều đặn thì sau 6 tháng cũng chỉ khoảng 50-60% các cặp vợ chồng trẻ có thai tự nhiên mà thôi. Tôi khuyên em thả tự nhiên thêm vài ba tháng nữa nhưng không được canh trứng nữa sẽ càng khó có thai hơn, hoặc can thiệp làm IUI tiếp mà chưa cần làm IVF ngay. Em lựa chọn bơm IUI tiếp ngay chu kỳ đó, lên bàn thủ thuật bơm tinh trùng tôi vẫn còn trêu em “em bơm IUI lần 3 nhỉ ? à không 2 lần trước không tính, coi như đây là bơm IUI lần đầu, tôi cười hì hì.”… Trộm vía cũng chưa đầy 1 tháng gặp tôi điều trị, tôi nhận tin em đã có thai.

Chưa đầy 1 tháng nhận điều trị, tôi đã nhận được tin em có thai

Lại nhớ, mấy tháng trước trên phòng mổ, cậu em bác sỹ trẻ cùng khoa khoe với tôi “em có đứa bạn mới cưới, xét nghiệm AMH có 0.4, nó khóc lóc kinh lắm, em giục nó đi làm IVF sớm đi kẻo hết trứng thế mà chưa kịp đi khám làm IVF thì ngay tháng đó nó đã báo tin có bầu rồi…”. Tôi mỉm cười, chưa chắc em đã khuyên bạn đúng. Dự trữ buồng trứng thấp nhưng mới thả chưa phải vô sinh thì đừng hoảng quá, hãy thử các biện pháp khác đừng vập IVF ngay trừ phi đã đủ thời gian chẩn đoán vô sinh và/hoặc kèm theo yếu tố vô sinh khác.

Cũng một ca tương tự trong tháng 7 rồi, cô bé 1999 xinh xắn, mới cưới bị thai sinh hóa 1 lần, nhưng AMH chỉ có 0,45. Hàng tháng chỉ có 1-3 quả trứng thôi (người bình thường trung bình 12 – 20 nang mỗi tháng) , thả quan hệ thai tự nhiên 2 tháng không đậu, em lo lắng và sốt ruột lắm. Tôi hiểu điều đó… ! Em muốn làm IVF nhưng kinh tế còn khó khăn vì 2 vợ chồng trẻ quá, tôi vẫn động viên em bình tĩnh chưa cần thiết làm IVF vội đâu. Đến chu kỳ thứ 3, ngày 2 chu kỳ siêu âm em được 5-6 nang trứng, thấy trứng nhiều nhiều em tha thiết làm IVF luôn chu kỳ này. Tôi đồng ý và cũng buồn thay, chu kỳ IVF đó em không được phôi nào để chuyển. Vợ chồng em buồn lắm nhưng có lẽ đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước do tôi đã dự liệu qua nên cũng sớm lấy lại tinh thần. Em lan man hỏi tôi về việc xin trứng, em tâm sự cũng nản quá rồi, chỉ mong trời thương và bác sỹ cũng thương vợ chồng em. Nghĩ thương thật con bé mới 24 tuổi thôi mà… Tôi động viên em cố gắng , tôi sẽ tiếp tục giúp vợ chồng em tìm kiếm cơ hội có thai tự nhiên. Trời thương, em đậu thai ngay tháng sau chu kỳ IVF thất bại đó khi được tôi kích trứng nhẹ và hướng dẫn vợ chồng em quan hệ tự nhiên. Trộm vía beta hCG em tăng tốt vượt qua được giai đoạn thai sinh hóa và hiện thai đã hơn 8 tuần, phát triển tim thai tốt.

Sinh năm 1999, AMH 0.45, IVF không tạo được phôi nào, có thai tự nhiên ngay chu kỳ sau đó nhờ kích thích nhẹ buồng trứng quan hệ tự nhiên (tối ưu hóa khả năng có thai tự nhiên)
Hiện thai của bạn đã hơn 8 tuần

Cậu em hỏi tôi vì sao không làm IVF ngay hả anh? Bởi vì hiệu quả của IVF với nhóm dự trữ buồng trứng thấp/ suy buồng trứng sớm là không cao. Thực tế với nhóm AMH thấp (<1.2 ng/ml), tỷ lệ có thai, tỷ lệ trẻ sinh sống của IVF là không cao hơn so với IUI (13% so với 13.3%, p = 0.4). Có đến gần một nửa (43.8%) chu kỳ IVF ở nhóm AMH thấp không tạo được phôi nào để chuyển [1].

Nhưng liệu làm IUI ở nhóm AMH thấp thì hiệu quả có kém so với nhóm AMH bình thường không anh ? Không em, tương đương nhau từ tỷ lệ có thai, tỷ lê đa thai, tỷ lệ sảy thai trên mỗi chu kỳ hoặc cộng dồn sau 4 chu kỳ IUI vẫn tương đương nhau  [2].

Vậy là nếu bệnh nhân trẻ tuổi, mới thả, AMH thấp, không kèm theo các yếu tố vô sinh khác thì vẫn nên theo dõi quan hệ tự nhiên vài chu kỳ, không được thì bơm IUI 2 – 4 chu kỳ, cuối cùng thì mới nghĩ đến việc làm IVF phải không anh? Thực tế là vậy, không nên nhầm tưởng IVF là biện pháp hiệu quả nhất, tùy từng trường hợp thôi.

Nhưng nếu cứ mải mê thả tự nhiên rồi trì hoãn kéo dài thời gian không làm IVF thì liệu bệnh nhân có hết mất trứng, trôi đi mất cơ hội làm IVF không anh? Câu hỏi hay quá và rất thực tế, bản thân chúng ta và người bệnh cũng đều lo lắng như vậy. Việc trì hoãn làm IVF cho nhóm dự trữ buồng trứng thấp lên đến 180 ngày tính từ thời điểm thăm khám lần đầu tiên là không ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ của chu kỳ IVF  [3].

Em hỏi nốt câu cuối, vậy nếu kích trứng làm IUI 2 – 4 chu kỳ như vậy không được mới chuyển IVF thì liệu việc kích trứng nhiều có làm giảm dự trữ buồng trứng không anh? Theo sinh lý phát triển và chọn lọc nang trứng mỗi chu kỳ thì việc kích trứng đơn thuần là không gây giảm dự trữ buồng trứng, ngược lại việc chọc trứng khi làm IVF có lẽ sẽ gây giảm một chút do gây tổn thương buồng trứng [4].

 

  1. Sapet C., Gavoille A., Sesques A. và cộng sự. (2021). Results of in vitro fertilization versus intrauterine insemination in patients with low anti-Müllerian hormone levels. A single-center retrospective study of 639 + 119 cycles. Journal of Gynecology Obstetrics and Human Reproduction, 50(3), 101874.
  2. Kaleli S., Kervancıoğlu M.E., Erol N. và cộng sự. (2023). Evaluating the efficacy of ovulation stimulation with intrauterine insemination in women with diminished ovarian reserve compared to women with normal ovarian reserve. International Journal of Gynecology & Obstetrics, 160(2), 620–627.
  3. Romanski P.A., Bortoletto P., Rosenwaks Z. và cộng sự. (2020). Delay in IVF treatment up to 180 days does not affect pregnancy outcomes in women with diminished ovarian reserve. Human Reproduction, 35(7), 1630–1636.
  4. Marschalek J., Ott J., Aitzetmueller M. và cộng sự. (2019). The impact of repetitive oocyte retrieval on the ovarian reserve: a retrospective cohort study. Arch Gynecol Obstet, 299(5), 1495–1500.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *