I. ĐỊNH NGHĨA
Vòi trứng là một cấu trúc hình ống có chức năng là con đường giúp tinh trùng và trứng gặp nhau thụ tinh và di chuyển hợp tử về buồng tử cung. Vòi trứng thông ở 2 đầu, đầu gần thông với buồng tử cung, đầu xa rộng hơn có nhiều tua vòi thông với ổ bụng để vợt hứng lấy nang noãn sau khi phóng noãn.
Ứ dịch vòi trứng đặc trưng bởi hiện tượng ứ dịch gây ra do sự viêm tắc ở đoạn xa của vòi trứng [1]. Bệnh lý này thường xảy ra và nguy cơ tăng lên khi người phụ nữ mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục [2].

II. ẢNH HƯỞNG
2 phân tích tổng hợp lớn với khoảng 6700 và 5600 bệnh nhân được chuyển phôi IVF (phôi tươi hoặc phôi đông lạnh) cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống giảm đi 1 nửa ở những phụ nữ bị ứ dịch vòi trứng 1 hoặc cả 2 bên. Tỷ lệ thai làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng đều giảm, tỷ lệ sẩy thai tăng lên ở nhóm có ứ dịch vòi trứng, tất cả đều có ý nghĩa thống kê [3], [4].

III. CƠ CHẾ
Có 3 cơ chế được đề nghị nhằm giải thích cho tác hại của ứ dịch vòi trứng đối với sự làm tổ của phôi:
- Cơ chế thứ nhất: Dòng dịch ở vòi trứng chảy ngược lại vào buồng tử cung gây “cuốn trôi” phôi ra ngoài [5], [6] hoặc chắn ngang cản trở không cho phôi tiếp cận niêm mạc để làm tổ [7]. Một cơ chế khác phối hợp là dòng dịch này làm tử cung tăng nhu động [8] và giảm tưới máu nội mạc tử cung [9].
- Cơ chế thứ hai: Tính cảm thụ của niêm mạc tử cung bị suy giảm do sự thay đổi của một số yếu tố cần thiết cho sự làm tổ của phôi. Ví dụ như các yếu tố ức chế bạch cầu, integrin 3 và mucin 1 (MUC1), CFTR (cystic fibrosis transmembrane conductance regulator) đều giảm có ý nghĩa khi có ứ dịch vòi trứng; ngược lại NF-kB nội mạc lại tăng lên [10], [11]. Sinh thiết nội mạc tử cung ở những trường hợp ứ dịch vòi trứng cho thấy biểu hiện gen HOXA10 mRNA trong tế bào nội mạc tử cung bị suy giảm [12].
- Cơ chế thứ ba: là hiện tượng gây độc trực tiếp do phôi bởi dịch viêm vòi trứng (đã được chứng minh ở phôi chuột) [8]; gián tiếp thông qua do tăng chất chống oxi hóa [13] và tập trung nhiều cytokine gây viêm ở niêm mạc [14], hay có thể đơn thuần là vì thiểu năng dinh dưỡng nuôi phôi.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Phẫu thuật (cắt vòi, kẹp vòi, mở thông vòi)
2. Đặt dụng cụ bít tắc vòi qua soi buồng
3. Chọc hút dịch dưới siêu âm
4. Liệu pháp xơ hóa vòi
Kết quả tổng quan hệ thống từ thư viện Cochrane kết luận phẫu thuật cắt vòi tử cung ứ dịch trước chu kỳ chuyển phôi làm tăng gấp đôi tỷ lệ thai lâm sàng so với nhóm ứ dịch vòi trứng mà không điều trị gì (OR 2.3, 95% CI 1.48 – 2.62), khẳng định ảnh hưởng bất lợi của ứ dịch vòi trứng với tỷ lệ thành công của IVF [15]. Kontoravdis A. vs cs tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT), báo cáo cho thấy lợi ích của kỹ thuật cắt vòi hay kẹp vòi đều có hiệu quả hơn so với nhóm không điều trị; đồng thời không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm cắt vòi và kẹp vòi về đáp ứng kích thích buồng trứng, số lượng noãn hoặc phôi thu được, tỷ lệ thai lâm sàng hay tỷ lệ trẻ sinh sống [16].

Năm 2011, nghiên cứu của Chanelles O. và cs kết luận phẫu thuật mở thông vòi ứ dịch ở thời điểm trước khi chuyển phôi cho tỷ lệ thai lâm sàng tương đương với phẫu thuật cắt vòi [17]. Trong trường hợp bệnh nhân không thể tiếp cận được vòi trứng qua đường bụng, có thể thay thế bằng soi buồng tử cung và sử dụng dụng cụ Essure (Bayer, Whippany, NJ) để làm tắc đoạn gần vòi trứng. Tuy nhiên, việc sử dụng dụng cụ Essure làm giảm tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ trẻ sinh sống có ý nghĩa thống kê so với nhóm kẹp cắt vòi; tỷ lệ sẩy thai tăng gấp đôi khi dùng Essure mặc dù không có ý nghĩa thống kê [18].
Chọc hút dịch vòi dưới hướng dẫn của siêu âm trước chu kỳ chuyển phôi cũng là một sự lựa chọn khi không thể phẫu thuật. Tuy nhiên ứ dịch vòi sẽ tái phát rất nhanh, và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ thai lâm sàng so với nhóm không điều trị gì cả (RCT) [19]. Khắc phục nhược điểm dịch vòi tái phát nhanh của kỹ thuật chọc hút dịch, liệu pháp xơ hóa vòi bằng cồn ethanol 98% trong vòng 5 – 10 phút được nghiên cứu [9]. Trong thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên này so sánh giữa liệu pháp xơ hóa vòi và không điều trị, cho thấy liệu pháp xơ hóa giúp tăng có ý nghĩa cả tỷ lệ làm tổ lẫn tỷ lệ thai lâm sàng, ngược lại ở nhóm không điều trị gây giảm tưới máu nội mạc tử cung đánh giá qua siêu âm Doppler.
V. KẾT LUẬN
Từ tất cả các nghiên cứu trên đều kết luận rằng ứ dịch vòi trứng gây suy giảm khả năng làm tổ và việc điều trị bệnh lý này sẽ giúp cải thiện tỷ lệ thành công của IVF. Tuy nhiên chúng ta không biết rõ rằng liệu tất cả các loại ứ dịch vòi đều ảnh hưởng tương tự nhau hay không, đặc biệt là những trường hợp ứ dịch vòi nhỏ mà không quan sát thấy được trên siêu âm đầu dò âm đạo.
Ths. Bs. Nguyễn Đình Đông
Hi vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc. Share hay re-up xin ghi nguồn. Cám ơn nhiều
Tài liệu tham khảo
1. Chu J., Harb H.M., Gallos I.D., et al. (2015). Salpingostomy in the treatment of hydrosalpinx: a systematic review and meta-analysis. Hum Reprod Oxf Engl, 30(8), 1882–1895.
2. Bahamondes L., Bueno J.G., Hardy E., et al. (1994). Identification of main risk factors for tubal infertility. Fertil Steril, 61(3), 478–482.
3. Zeyneloglu H.B., Arici A., and Olive D.L. (1998). Adverse effects of hydrosalpinx on pregnancy rates after in vitro fertilization-embryo transfer. Fertil Steril, 70(3), 492–499.
4. Camus E., Poncelet C., Goffinet F., et al. (1999). Pregnancy rates after in-vitro fertilization in cases of tubal infertility with and without hydrosalpinx: a meta-analysis of published comparative studies. Hum Reprod Oxf Engl, 14(5), 1243–1249.
5. Mansour R.T., Aboulghar M.A., Serour G.I., et al. (1991). Fluid accumulation of the uterine cavity before embryo transfer: a possible hindrance for implantation. J Vitro Fertil Embryo Transf IVF, 8(3), 157–159.
6. Andersen A.N., Lindhard A., Loft A., et al. (1996). The infertile patient with hydrosalpinges–IVF with or without salpingectomy?. Hum Reprod Oxf Engl, 11(10), 2081–2084.
7. Vandromme J., Chasse E., Lejeune B., et al. (1995). Hydrosalpinges in in-vitro fertilization: an unfavourable prognostic feature. Hum Reprod Oxf Engl, 10(3), 576–579.
8. Strandell A. and Lindhard A. (2002). Why does hydrosalpinx reduce fertility? The importance of hydrosalpinx fluid. Hum Reprod Oxf Engl, 17(5), 1141–1145.
9. Jiang H., Pei H., Zhang W., et al. (2010). A prospective clinical study of interventional ultrasound sclerotherapy on women with hydrosalpinx before in vitro fertilization and embryo transfer. Fertil Steril, 94(7), 2854–2856.
10. Li L., Xu B., Chen Q., et al. (2010). Effects of hydrosalpinx on pinopodes, leukaemia inhibitory factor, integrin beta3 and MUC1 expression in the peri-implantation endometrium. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol, 151(2), 171–175.
11. NF κB expression increases and CFTR and MUC1 expression decreases in the endometrium of infertile patients with hydrosalpinx: a comparative study. – PubMed – NCBI. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23061681>, accessed: 10/03/2019.
12. Daftary G.S., Kayisli U., Seli E., et al. (2007). Salpingectomy increases peri-implantation endometrial HOXA10 expression in women with hydrosalpinx. Fertil Steril, 87(2), 367–372.
13. Bedaiwy M.A., Goldberg J.M., Falcone T., et al. (2002). Relationship between oxidative stress and embryotoxicity of hydrosalpingeal fluid. Hum Reprod Oxf Engl, 17(3), 601–604.
14. Bedaiwy M.A., Falcone T., Goldberg J.M., et al. (2005). Relationship between cytokines and the embryotoxicity of hydrosalpingeal fluid. J Assist Reprod Genet, 22(4), 161–165.
15. Johnson N., van Voorst S., Sowter M.C., et al. (2010). Surgical treatment for tubal disease in women due to undergo in vitro fertilisation. Cochrane Database Syst Rev, (1), CD002125.
16. Kontoravdis A., Makrakis E., Pantos K., et al. (2006). Proximal tubal occlusion and salpingectomy result in similar improvement in in vitro fertilization outcome in patients with hydrosalpinx. Fertil Steril, 86(6), 1642–1649.
17. Chanelles O., Ducarme G., Sifer C., et al. (2011). Hydrosalpinx and infertility: what about conservative surgical management?. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol, 159(1), 122–126.
18. Dreyer K., Lier M.C.I., Emanuel M.H., et al. (2016). Hysteroscopic proximal tubal occlusion versus laparoscopic salpingectomy as a treatment for hydrosalpinges prior to IVF or ICSI: an RCT. Hum Reprod Oxf Engl, 31(9), 2005–2016.
19. Hammadieh N., Coomarasamy A., Ola B., et al. (2008). Ultrasound-guided hydrosalpinx aspiration during oocyte collection improves pregnancy outcome in IVF: a randomized controlled trial. Hum Reprod Oxf Engl, 23(5), 1113–1117.