Túi thai trống (Blighted ovum/ Anembryonic pregnancy) là 1 dạng thai ngừng phát triển (thai lưu), trong đó có sự hình thành và phát triển của túi thai nhưng thất bại trong việc hình thành phôi thai bên trong. Hiểu đơn giản là trên siêu âm chỉ thấy có túi thai còn bên trong thì trống rỗng, không có phôi thai.
…
Bệnh nhân 31 tuổi, cũng là đồng nghiệp của tôi, 5 lần mang thai thì đều 5 lần túi thai trống liên tiếp cả. Các khám xét trước đó không phát hiện bất thường, nhiễm sắc thể 2 vợ chồng bình thường. Cùng cực và mất phương hướng, bạn tìm đến IVF như giải pháp cuối cùng, nhưng liệu niềm tin và hi vọng của bạn có đặt đúng chỗ hay không ?… Ở lần mang thai thứ 5, bạn chuyển 1 phôi ngày 5 đã được sàng lọc có bộ nhiễm sắc thể bình thường (phôi nguyên bội). Nhưng kết quả lại thêm 1 lần nữa chỉ có túi thai còn phôi và tim thai thì bạn ngóng mãi không thấy về. Còn đó 2 phôi ngày 5 sàng lọc và 4 phôi ngày 6 chưa sàng lọc, nhưng bạn tuyệt vọng không biết phải làm gì tiếp theo nữa cả…
…Cuối tháng 3 vừa rồi, vợ chồng bạn quyết định đến tìm gặp tôi. Sau 3 tháng bạn mang thai lần thứ 6, là thai tự nhiên, nín thở chờ đợi rồi đến một ngày tôi thông báo “đã có tim thai, kết quả khám tiên lượng tốt” – bạn khóc nức nở, đây là giây phút đầu tiên bạn nghe được nhịp đập trái tim con bạn. Tôi đã điều trị những gì và chúng ta có gì để bình luận ?
Hầu hết nguyên nhân gây lưu thai nói chung là do bất thường của phôi, tuy nhiên khi số lần sảy lưu thai càng tăng lên thì tỷ lệ tìm thấy bất thường nhiễm sắc thể của phôi ở những lần lưu sau cùng càng giảm đi, đồng nghĩa cần phải tìm ra các vấn đề ẩn dấu khác. Khi phân tích sâu hơn, trong số các dạng thai lưu ở tuần thai sớm (trước 12 tuần) thì túi thai trống có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là thấp nhất, khoảng 28 – 30% [1] [2], thấp hơn so với những trường hợp thai lưu nhưng đã có sự hiện diện của phôi thai. Các nghiên cứu cũng không tìm thấy dạng đột biến nhiễm sắc thể đặc trưng cho túi thai trống. Có tác giả thì thấy trong túi thai trống tỷ lệ trisomy 16 và 18 nhiều nhất và không gặp ca monosomy X nào [3], ngược lại có tác giả thì lại thường gặp monosomy X nhất [4], [5]. Làm một phép tính nhẩm, xác suất bị lưu thai túi thai trống 5 lần liên tiếp và đều do phôi bị bất thường nhiễm sắc thể là khoảng 0.0000024%, tức là cứ 100 triệu người thì mới có 2.5 người rơi vào trường hợp này, một chuyện rất hi hữu. Thêm nữa, lần túi thai trống thứ 5 của bạn là phôi đã dược sàng lọc có bộ nhiễm sắc thể bình thường đây chứ. 5 lần lưu thai đều y hệt như nhau, duy chỉ có mỗi một túi thai trống rỗng, sự trùng hợp này hẳn phải làm chúng ta suy tư. Nên có 1 hướng đi, 1 hướng tìm kiếm khác…
Miệt mài tìm kiếm Y văn trên thế giới, dữ liệu là không nhiều, chất lượng các nghiên cứu còn nhiều bất cập. “Nghi phạm” mà được tôi nghĩ đến là những bất thường thượng di truyền (epigenetic abnormalities), rối loạn chu trình oxy hóa khử trong tế bào, nhiễm độc hoặc thiếu hụt vi chất, bất thường niêm mạc tử cung.
Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ chì cao trong huyết tương hay thiếu hụt folate có thể tăng nguy cơ túi thai trống [6], [7]. Việc bổ sung acid folic liều tiêu chuẩn 400 mcg/ngày trước khi có thai ít nhất 3 tháng (tối ưu 12 tháng) là vô cùng cần thiết đem lại nhiều lợi ích, trong đó quan trọng nhất là dự phòng lên đến 85% nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Ở nước ta, nguy cơ phơi nhiễm chì từ môi trường, nghề nghiệp, thực phẩm, thuốc thang, mỹ phẩm… còn cao [8]. Chưa có nhiều bằng chứng về vấn đề này tuy nhiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản rất nên thận trọng.
MnSOD (Manganese SuperOxide Dismutase) là 1 enzyme chống oxy hóa quan trọng trong hệ thống miễn dịch người. Chúng hoạt động tại chất nền ty thể và được điều khiển bởi gen nằm trên locus 6q25. Khi chúng bị đột biến hoặc bất hoạt có thể gây phá hủy nặng nề hệ thống DNA ty thể và nhân do dư thừa hydrogen peroxide (H2O2). Đa hình Val16Ala của gene MnSOD được nghi ngờ là có thể liên quan đến túi thai trống ở một nghiên cứu nhỏ nhưng việc điều trị thì không được đề cập [9]. Coenzyme Q10 (CoQ10) là một chất oxy hóa khử, tan trong mỡ và nằm ở màng trong ty thể. Chức năng của nó là một kênh vận chuyển electron cung cấp năng lượng tế bào, chống oxy hóa ổn định màng tế bào. Thật thú vị có nghiên cứu cho thấy bổ sung CoQ10 có thể giảm tỷ lệ túi thai trống do hiệu quả chống oxy hóa của chúng ở nang noãn và phôi [3]. Cơ chế chưa được biết rõ và tôi đang suy nghĩ liệu chúng có chút liên quan nào đến nhau hay không ?!.
…
IVF và sàng lọc phôi không phải là biện pháp điều trị hiệu quả trong sảy lưu thai không rõ nguyên nhân. Ngay cả trường hợp sảy lưu thai do bố mẹ có đột biến nhiễm sắc thể thì IVF/ sàng lọc phôi cũng chỉ giảm tỷ lệ lưu ở mỗi lần mang thai chứ không giúp tăng tỷ lệ trẻ sinh sống [10]. Sau 4 lần túi thai trống, bạn quyết định làm IVF và sàng lọc phôi để điều trị liệu có đúng đắn ?
…
Câu trả lời là không, thậm chí có thể còn tiên lượng tệ hơn thai tự nhiên.
Như tôi nói ở trên tỷ lệ túi thai trống do bất thường nhiễm sắc thể là thấp, các bất thường thượng di truyền có thể là nguyên nhân tiềm tàng gây túi thai trống. Bộ gene của người cha nhiều khả năng cấu trúc nên lớp ngoại bào phôi (lớp Trophoectoderm, ngoại bì lá nuôi sau này hình thành nên rau thai), trong khi bộ gene của người mẹ lại rất cần thiết cho sự phát triển của khối nội bào phôi (Inner Cell Mass, phát triển thành cơ thể phôi thai) [11]. Các yếu tố thượng di truyền chịu trách nhiệm cho việc biểu hiện hệ thống gene của cha mẹ, do đó những yếu tố gây biến đổi thượng di truyền của người mẹ có thể tăng nguy cơ gây túi thai trống (vì phôi không phát triển được, trong khi rau thai vẫn phát triển).
Tuổi mẹ cao và nuôi cấy phôi trong ống nghiệm lại là yếu tố nguy cơ gây biến đổi thượng di truyền người mẹ. Việc nuôi lên phôi nang (phôi ngày 5, 6) từ những phôi phân chia (ngày 3) chất lượng không tốt có thể làm tăng gấp đôi tỷ lệ túi thai trống (45.9% so với 24.4%, p = 0.037), một nửa (50.5%) trường hợp túi thai trống có bộ nhiễm sắc thể bình thường [3]. Do đó IVF sàng lọc phôi không được kỳ vọng để giảm nguy cơ túi thai trống lặp lại; dù có bộ nhiễm sắc thể bình thường thì tỷ lệ túi thai trống vẫn là cao, nhất là khi phôi đó chất lượng không tốt. Nếu có tiền sử túi thai trống nhiều lần và bắt buộc phải làm IVF vì vô sinh thứ phát thì có lẽ nên cân nhắc ưu tiên chuyển phôi ngày 3 hơn phôi ngày 5 có hoặc không sàng lọc phôi.
Tài liệu tham khảo:
- Ouyang Y., Tan Y., Yi Y. và cộng sự. (2016). Correlation between chromosomal distribution and embryonic findings on ultrasound in early pregnancy loss after IVF-embryo transfer. Human Reproduction, 31(10), 2212–2218.
- Li X., Ouyang Y., Yi Y. và cộng sự. (2017). Correlation analysis between ultrasound findings and abnormal karyotypes in the embryos from early pregnancy loss after in vitro fertilization-embryo transfer. J Assist Reprod Genet, 34(1), 43–50.
- Zhu Y., Zhou Y., Liu S. và cộng sự. (2022). Blastocyst culture of non-top-quality cleavage embryos may increase the risk of anembryonic pregnancy following in vitro fertilization: a retrospective cohort study. Annals of Translational Medicine, 10(24), 1364–1364.
- Li X., Ouyang Y., Yi Y. và cộng sự. (2017). Correlation analysis between ultrasound findings and abnormal karyotypes in the embryos from early pregnancy loss after in vitro fertilization-embryo transfer. J Assist Reprod Genet, 34(1), 43–50.
- Angiolucci M., Murru R., Melis G. và cộng sự. (2011). Association between different morphological types and abnormal karyotypes in early pregnancy loss. Ultrasound Obstet Gynecol, 37(2), 219–225.
- Yin Y., Zhang T., Dai Y. và cộng sự. (2008). The effect of plasma lead on anembryonic pregnancy. Ann N Y Acad Sci, 1140, 184–189.
- Yin Y., Zhang T., Dai Y. và cộng sự. (2009). Pilot study of association of anembryonic pregnancy with 55 elements in the urine, and serum level of folate, homocysteine and S-adenosylhomocysteine in Shanxi Province, China. J Am Coll Nutr, 28(1), 50–55.
- Ngộ độc chì: Những thông tin cần biết. <http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/7760-ngo-doc-chi-nhung-thong-tin-can-biet.html>, accessed: 07/08/2023.
- Moshtaghi A., Vaziri H., Sariri R. và cộng sự. (2017). Polymorphism of MnSOD (Val16Ala) gene in pregnancies with blighted ovum: A case-control study. Int J Reprod Biomed, 15(8), 503–508.
- Li S., Zheng P.-S., Ma H.M. và cộng sự. (2022). Systematic review of subsequent pregnancy outcomes in couples with parental abnormal chromosomal karyotypes and recurrent pregnancy loss. Fertility and Sterility, 0(0).
- Leng L., Sun J., Huang J. và cộng sự. (2019). Single-Cell Transcriptome Analysis of Uniparental Embryos Reveals Parent-of-Origin Effects on Human Preimplantation Development. Cell Stem Cell, 25(5), 697-712.e6.