Kết thúc năm 2022, khi bạn cảm thấy tuyệt vọng nhất là khi nào ?

 

Một bức ảnh rất đẹp nhân dịp năm 2022 khép lại

35 tuổi, mong con 11 năm, chưa có con nào, bạn rất dễ đậu thai nhưng khó giữ thai

7 lần lưu thai, chỉ 1 lần trong số đó thai có tim thai nhưng yếu, rời rạc.

3 lần mổ gỡ dính buồng tử cung sau đó

Niêm mạc tử cung rất mỏng (do phải hút thai nhiều lần, buồng tử cung dính phức tạp)

Khám chữa khắp nơi, lần nào mang thai cũng không dưới 10 loại thuốc, bụng mông thâm tím chi chít những mũi tiêm (đủ các loại). Nhưng rồi…vẫn thất bại.

Bệnh nhân thì mệt, Bác sỹ thì nản.

Ai đó đã khuyên bạn làm IVF xin trứng người khác vì có lẽ lỗi là ở bạn và 11 năm đã là quá dài, bạn áp lực lắm ! Bạn nghe theo, và rồi … lại nhận thêm 2 lần chuyển phôi sàng lọc thất bại.

Bạn thực sự tuyệt vọng, chẳng lẽ không còn con đường nào để bước tiếp ? 12 phôi vẫn còn đó.

Bạn đến gặp tôi, coi như là 1 lần cuối chữa chạy. Bạn cũng đã chuẩn bị tâm lý cho mọi thứ phía trước.

Tôi khám xét kỹ và dành nhiều thời gian hơn cho bạn (gần 2 tiếng đồng hồ), 1 số xét nghiệm vô bổ tôi gạt bỏ, 1 số loại thuốc không có ích tôi cũng khuyên bạn đừng đặt niềm tin vào nó nữa.

Vấn đề của bạn không phải ở quả trứng, do đó việc làm IVF xin trứng cũng không giải quyết được vấn đề.

Tôi lên kế hoạch cho bạn thả tự nhiên lần nữa và việc điều trị cần từ trước khi có thai chứ không phải chậm kinh có thai rồi mới gặp bác sỹ (khi đó, hầu hết sẽ thất bại nếu phải đối diện các nguyên nhân thực sự). Khi có thai cần hạn chế thuốc thang vô bổ tối đa đặc biệt là các thuốc nội tiết (vì tôi phát hiện thêm bạn bị rối loạn dung nạp đường nặng).

Trái ngọt đến, bạn có thai tự nhiên trở lại – một sản phẩm kết tinh từ tình yêu của bạn và chồng bạn.

Do được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, bạn có 1 thai kỳ không quá bão tố (ngoại trừ phải nằm viện Nội tiết Trung ương 2 tuần vì Đái tháo đường thai kỳ sớm và nặng) nhưng vẫn rất lo lắng và ám ảnh tâm lý. Gần như cứ 1 tuần bạn lại gặp tôi 2 lần, khi thai to có thai máy bạn mới bớt lo bớt sốt ruột và bớt “nhớ” bác sỹ hơn. Tất nhiên, với tôi thì bạn không việc gì phải sử dụng nhiều thuốc trong thai kỳ, đặc biệt không 1 loại thuốc tiêm nào.

9 tháng, bạn được gặp con, một món quà ông trời dành tặng cho vợ chồng bạn sau ngần đấy năm vợ chồng bạn mong mỏi, cầu xin chúa trời và liên tục tạo phước. Chàng trai của bạn, có tên là Thiên Ân.

Thiên Ân, là tên của chàng trai nay đến thăm bác

Cuối năm, Thiên Ân của bạn đến thăm bác, kỳ lạ con chẳng hề lạ bác vì có lẽ 280 ngày trong bụng mẹ con đã quá quen với ông bác sỹ gầy còi bụi bặm này lắm rồi. Bác rất vui, rất hạnh phúc và cũng đầy phấn khích.

Một bức ảnh, màu hồng, theo đúng nghĩa.

Tạm biệt 2022, với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hay lưu thai đã thành công

Chào đón 2023, hi vọng vẫn sẽ giúp ích được nhiều bệnh nhân khó khăn hơn nữa .

Một số lời khuyên của bác sỹ:

  1. Không nên xét nghiệm gen đông máu (vì không phải nguyên nhân và hết hết xét nghiệm ai cũng sẽ gen), không điều trị chống đông vì gen đông máu (vì không hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro). Nếu có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị huyết khối vô căn ( tức không giải thích được) hãy đến gặp các chuyên gia tim mạch/huyết học, một số chứng ưa huyết khối di truyền (đột biến Factor V Leiden, Prothrombin II, suy giảm Protein C, S ATIII) có thể được chỉ định và việc dùng chống đông khi đó là nhằm dự phòng huyết khối cho mẹ là chính chứ không phải giữ thai (không hiệu quả giữ thai).
  2. Không nên tiêm Lovenox (kết hợp với Aspirin hoặc không) nếu không bị hội chứng kháng thể kháng phospholipid (antiphospholipid sydrome). Trên 97% các bệnh nhân sảy lưu thai liên tiếp không cần sử dụng chống đông.

  3. Không nên sử dụng thuốc nội tiết bữa bãi, không có bằng chứng nào cho thấy dùng càng nhiều càng có hiệu quả giữ thai. Thực tế các thuốc nội tiết không hề hiệu quả trong điều trị giữ thai ở những trường hợp lưu thai không rõ nguyên nhân (trừ 1 số trường hợp nhỏ đặc biệt). Ngược lại, việc dùng lộm nhộm các loại thuốc (uống, đặt, tiêm) có thể gây nặng thêm các bệnh lý rối loạn nội tiết nội khoa của mẹ (sẵn có hoặc xuất hiện mới), rủi ro dị tật – khiếm khuyết chức năng cho con, có thể tăng nguy cơ sảy lưu thai thêm.

  4. Yếu tố niêm mạc rất quan trọng, nhiều khi chính hậu quả dính buồng tử cung – niêm mạc mỏng sau nạo hút thai lưu tạo thành một vòng xoắn bệnh lý gây sảy lưu thai tiếp sau đó mà không được phát hiện.

  5. IVF có hoặc không có sàng lọc phôi không phải biện pháp hiệu quả để điều trị thai sảy lưu. Ngoại trừ trường hợp lưu thai do đột biến NST vợ/ chồng (khi đó IVF sàng lọc phôi cũng chỉ giảm tỷ lệ lưu thai ở mỗi lần mang thai, chứ không tăng tỷ lệ mẹ tròn con vuông so với thai tự nhiên). Do đó trong sảy lưu thai liên tiếp, thai tự nhiên vẫn là chân ái. Các bác sỹ không nên khuyên người bệnh làm IVF như một biện pháp điều trị sảy lưu thai liên tiếp. Cứ ngỡ cho họ một niềm hi vọng nhưng rồi lại rơi xuống 1 vực sâu thẳm hơn. Ngoài niềm tin bị đánh mất họ có thể sẽ kiệt quệ về kinh tế.

  6. Béo phì, buồng trứng đa nang, cường androgen, tiền sử gia đình ruột thịt 1 thế hệ có người bị đái tháo đường, tiền sử sinh con to, sảy lưu thai liên tiếp … đừng quên làm nghiệm pháp dung nạp đường thai kỳ.

    Ths. Bs. Nguyễn Đình Đông
    Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản!


https://www.facebook.com/photo/?fbid=6409037455791810&set=a.273735222655428

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *