21 giờ đêm 05/07/2020 (giờ Việt Nam), cộng đồng bác sỹ Sản phụ khoa Việt Nam dậy sóng trở lại, sau Webinar của tổ chức Y học bào thai lớn nhất thế giới (The Fetal Medicine Foundation – FMF) về chủ đề Thrombophilia in Recurrent Miscarriage (chứng ưa huyết khối trong sẩy lưu thai liên tiếp) do Dr. Hassan Shehata (Anh) trình bày.

Quý đồng nghiệp và cộng đồng quan tâm có thể xem phát sóng lại toàn bộ video các bài giảng của FMF với các chủ đề “hot” trong năm 2020 theo đường link dưới đây: https://fetalmedicine.org/courses-n-congress/fmf-webinars/webinar-videos

 

Video bài giảng mối liên quan giữa “gen đông máu” và sẩy lưu thai liên tiếp – Dr. Hassan Shehata (2020)

Chứng ưa huyết khối gồm 2 nhóm:

  1. Di truyền (Inherited thrombophilia): ở Việt Nam hay còn gọi là “GEN ĐÔNG MÁU
  2. Mắc phải (Acquired thrombophilia): hội chứng kháng thể kháng phospholipid (Antiphospholipid syndrome).

Nhìn chung bài báo cáo của ông là cập nhật xuyên sốt theo các nghiên cứu và khuyến cáo của các tổ chức Y học uy tín bậc nhất trên thế giới. Về nội dung mời các bạn xem hình dưới. Tôi cũng đã từng mất rất nhiều thời gian để truy tìm và trích dẫn theo đường link dưới đây: tổng hợp các khuyến cáo của các tổ chức Y học uy tín trên thế giới về gen đông máu và sẩy lưu thai liên tiếp. Tôi sẽ còn cập nhật thêm.

97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp không cần liệu pháp chống đông (Heparin)

Tôi rất ấn tượng với slide ông nói “trên 97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp SẼ KHÔNG CẦN liệu pháp chống đông”. Tôi bịt miệng tủm tỉm cười nghĩ may ông ở bên Anh, chứ nếu ông ở Việt Nam mà ông nói như này thì nhiều người sẽ nói ông “cha cái đồ lang băm lắm lông, biết gì mà nói phát biểu linh tinh, ông có biết bao nhiêu người tiêm chống đông mà thành công rồi không ? ”. Ông à, ở Việt Nam chúng tôi có hẳn 1 Hiệp hội Y khoa tối cao, đó là gồm những “hội facebook những bà mẹ abc chia sẽ kinh nghiệm xương máu, các nick ảo, cò mồi hay seeder các thể loại định hướng dư luận…”.

Tổ chức tối cao của chúng tôi phán “ Trên 97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp phải tiêm chống đông nhé !” không là tèo thai tiếp đấy! Hãy nhìn bức ảnh bên góc phải kia kìa; mặc dù chúng tôi chưa có nghiên cứu đàng hoàng về tỷ lệ lưu hành trong cộng đồng và so sánh tỷ lệ có ở nhóm sẩy lưu thai liên tiếp và nhóm chứng phù hợp của gen đông máu (đặc biệt đột biến MTHFR và Pal-I) nhưng trong 2 năm 2017 – 2018 thống kê trên 311 phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp được làm xét nghiệm gen đông máu thì chúng tôi có 97% là mang gen nhé (https://bit.ly/tiepcanditruyensaythailientiep) . Ở đây chúng tôi không như thế, các bệnh nhân này tiêm chống đông hết nhé. Như vậy là có ít nhất 97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp phải tiêm chống đông rồi. Chưa kể còn tỷ lệ nhóm bệnh nhân bị hội chứng antiphospholipid thực sự, antiphospholipid thoáng qua hay dương tính giả (chúng tôi tiêm hết), hay thậm chí chúng tôi cho tiêm chống đông vì D-Dimer trong thai kỳ cao quá ngưỡng 250 nhá (ép cho nó về < 250 thì thôi). Gộp tất cả lại chắc chắn hơn 97% nhiều ông tây lông ạ. Gớm ông dốt bỏ xừ. Ông Tây lông nghe mắng xong, sợ quá về bỏ nghề không làm bác sỹ nữa mà chuyển sang nghề bán thực phẩm chức năng, bán thuốc.

Thống kê ở Việt Nam (2017-2018) cho thấy 97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp mang ít nhất 1 gen đông máu. Phần lớn các nghiên cứu (cả ở Việt Nam) đều cho thấy tỷ lệ mang gen đông máu ở nhóm phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp là tương tự so với nhóm phụ nữ sinh sản bình thường. Như vậy có thể ngoại suy ra rằng nếu chúng ta khảo sát một combo gồm 6 gen đông máu ở cộng đồng nói chung thì cũng có đến… 97% mang gen. Nếu chúng ta thực hiện xét nghiệm 1 combo càng nhiều gen (ví dụ 12 gen như một số đơn vị hiện nay) thì rất có thể…100% sẽ mang gen, không mang gen nọ thì mang gen kia.

Các bác sỹ chỉ định gen đông máu, có bao giờ trằn trọc suy tư “Ô sao lạ nhỉ, tỷ lệ xét nghiệm thấy mang gen sao mà nhiều quá thế ?” hay chưa? Chẳng cần xét nghiệm, nhắm mắt đoán bừa bệnh nhân này kiểu gì cũng mang gen xác suất đúng khá-rất cao. Dễ chơi hơn xóc đĩa chẵn – lẻ nhiều. Ở Việt Nam chủ yếu gặp đột biến gen MTHFR và PAI-1, một số gen đông máu có sự khác biệt tỷ lệ theo chủng tộc và địa lý. Tôi đăm chiêu và rất muốn tìm ra câu trả lời. Nhiều cơ sở y tế chỉ định nhiều thậm chí thường qui nhóm gen đông máu này, giá mà bây giờ họ làm tạm 1 cái nghiên cứu hồi cứu đi thì thật tốt. 

Lặn lội tìm tòi các nghiên cứu trong nước, hóa ra chúng ta cũng đã có vài nghiên cứu về vấn đề này. Một khảo sát đột biến yếu tố V Leiden tại Việt Nam trên 70 bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu và 180 người không bị bệnh đã có không ghi nhận trường hợp nào có mang yếu tố V Leiden; tần suất alen đột biến ở người Việt Nam là 0/500 (Nguyễn Đức Bách, 2014). Tương tự, một khảo sát trên 72 phụ nữ Việt Nam có tiền sử sẩy thai từ 2 lần trở lên cũng không tìm thấy đột biến yếu tố V Leiden và Prothrombin II G20210A (Đào Thị Trang, 2017). Phân tích đột biến gen MTHFR C677T và A1298C ở 118 phụ nữ Việt Nam trong đó 35 người nhóm chứng (sinh sản bình thường) và 83 người có sẩy lưu thai ít nhất 2 lần (nhóm bệnh), kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bệnh và nhóm chứng đối với từng đột biến MTHFR đơn lẻ (Trịnh Thị Quế, 2019). Tỷ lệ đột biến PAI -1 4G/5G (cả đồng hợp và dị hợp tử) không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở 2 nhóm sinh sản bình thường và sẩy lưu thai liên tiếp quý 1 và 2 (Đào Thị Trang, 2017).

Liệu pháp chống đông không phải rẻ tiền, tiềm ẩn một tỷ lệ nhỏ rủi ro, tai biến. Lợi ích chỉ được chứng minh có hiệu quả trong trường hợp người bệnh mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid, tuy nhiên lưu ý phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn Sydney trong chẩn đoán và trong 1 số hoàn cảnh đặc biệt theo khuyến cáo của ACOG.

 

Ghi nhớ: 97% phụ nữ sẩy lưu thai liên tiếp không cần liệu pháp chống đông (heparin)

Ths. Bs. Nguyễn Đình Đông
Hi vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc. Share hay re-up xin ghi nguồn. Cám ơn nhiều !

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *