IVF KHÔNG PHẢI MIẾNG BÁNH VẼ CHO SẢY LƯU THAI LIÊN TIẾP
————————————–
Bữa chiều ngồi gần 2 tiếng đồng hồ khám một cặp vợ chồng, và mất nửa số thời gian đấy là tôi ngồi thở dài, vò đầu, chống cằm và… lườm người bệnh. Tôi mất hết cảm xúc và năng lượng khám bệnh; tôi cáu gắt hơn, uể oải hơn kể từ đó. Phải nói như thế nào nhỉ, tôi rất… buồn chán. ☹️
👉 Để tôi kể cho các bạn nghe,
2 vợ chồng trẻ đến khám tôi vì lưu thai 7 lần liên tiếp với tổng 9 thai trong 5 năm.
– Năm 25 tuổi, bạn lưu thai lần đầu, lúc đó thai 7 tuần mất tim thai
– Cũng trong năm đó, bạn lưu tiếp thai lần 2, cũng 7 tuần mất tim thai
– Năm 26 tuổi, bạn lưu thai lần 3, lại cái mốc 7 tuần.
– Cùng năm, bạn làm IUI vì nghĩ lọc rửa tinh trùng khỏe hơn sẽ ổn, bạn lưu tiếp lần 4 ở con số định mệnh, thai 7 tuần.
– Năm 28 tuổi, bạn đi khám tìm nguyên nhân ở một bệnh viện chuyên IVF lớn không thấy gì bất thường, trong đó tôi muốn nhấn mạnh nhiễm sắc thể 2 vợ chồng đều bình thường, nhưng tôi thấy khám thế là chưa đủ cho cái tiền sử 4 lần lưu thai liên tiếp. Bạn được tư vấn do phôi lỗi, giờ làm IVF sàng lọc phôi để điều trị. Trong khi 2 vợ chồng rất dễ đậu thai, cứ hễ thả là đậu…
🗣️ Tôi hỏi bạn thế có đủ tiền để làm IVF + sàng lọc phôi không? Bạn nói “chồng em công nhân, em nội trợ, 2 vợ chồng em chạy vạy tiền khắp nơi để làm bác à, cũng chỉ đủ sàng lọc có 4 phôi bác, hết tổng hơn 200 triệu…”, bạn rưng rưng nước mắt.
Sàng lọc 4 phôi, được 2 phôi bình thường; còn 6 phôi không sàng lọc trữ đông.
– Năm đó, bạn mang bao kỳ vọng và lạc quan cho chuyển phôi lần đầu, bạn chuyển 1 phôi đã sàng lọc bình thường. Kết quả lại thai 7 tuần, túi thai kém, mất tim thai, đây là lần lưu thai thứ 5. Bạn sốc, và có vẻ bác sỹ điều trị cũng sốc. Thế nên bệnh phẩm thai lưu lần này bạn được tư vấn xét nghiệm di truyền thêm G4500 để xem thai bình thường hay dị tật, kết quả khớp với sàng lọc phôi = thai bình thường.
Một số xét nghiệm bạn được chỉ định thêm: NK máu, gen đông máu… nhưng đều không hợp lý. Đến lưu thai lần thứ 5 nhìn tập kết quả khám tôi biết bạn chữa chạy khắp miền Bắc này, thuốc xài theo rổ, theo ký.
– Lần chuyển phôi tiếp, bạn chuyển 2 phôi khá, không sàng lọc. Đậu liền 2 thai, xin nhắc lại trong tự nhiên bạn cũng rất dễ đậu thai. Và rồi, cả 2 thai cũng đều rời xa mẹ ở mốc 7 tuần. Không còn đau đớn gì hơn để tả, khóc không thành tiếng…
Tuyệt vọng, không biết làm gì thêm nữa và cũng phải cày tiền trả nợ, bạn bỏ bẵng 2 năm.
…
– Năm nay, bạn 30 tuổi quay trở lại hành trình tìm con. Bạn chuyển tiếp 2 phôi ngày 5 loại tốt, không sàng lọc, lại đậu cả 2 thai và các bạn biết không: lại lưu cả 2 thai cùng lúc, cùng ở mốc 7-8 tuần. Thật là nản, hết sức chán nản ! 😣😖😭
⭕️ 2 vợ chồng bạn tìm đến gặp tôi,
Nhìn lại câu chuyện:
7 lần lưu với tổng 9 thai,
4 lần lưu thai tự nhiên,
1 lần lưu thai IVF đã sàng lọc phôi,
2 lần lưu đúp, một lúc song thai IVF (tổng là 4 thai cho 2 lần mang thai),
Và tất cả đều mốc … 7 tuần !
…
✍️ Chúng ta đều nhất trí rằng hầu hết nguyên nhân gây thai lưu nhỏ (dưới 12 tuần) là do thai bất thường nhiễm sắc thể gây ra, nhưng IVF sàng lọc nhiễm sắc thể phôi lại không đảm bảo được hiệu quả giảm tỷ lệ thai lưu nếu nhiễm sắc thể bố mẹ bình thường dù lý thuyết thì hay đấy. Trên thực tế, phôi sàng lọc vẫn sảy lưu như thường (7-25%) và kết quả sàng lọc phôi không tin cậy tuyệt đối như chúng ta kỳ vọng. Nhóm bệnh lý đơn gen gây sảy lưu thai nhỏ liên tiếp là chưa có bằng chứng thuyết phục và ngay cả khi đó thì IVF/ sàng lọc NST phôi cũng không sàng lọc tới các đột biến gen đó.
✍️ IVF chỉ đơn thuần là con đường dẫn đến có thai (điều trị vô sinh), sàng lọc phôi chỉ thực sự hiệu quả giảm tỷ lệ lưu thai (từ 50-60% xuống 15%) khi nguyên nhân lưu thai là bố mẹ có đột biến di truyền nhiễm sắc thể (thường gặp là chuyển đoạn cân bằng), nhưng cũng không tăng tỷ lệ trẻ sinh sống so với thả tự nhiên.
✍️ Có một điều mà các bạn nên biết, số lần lưu thai càng nhiều thì tỷ lệ nguyên nhân do phôi dị tật càng giảm. Khi đó, giả thiết nguyên nhân do phôi lỗi phải giảm xuống, giả thiết mẹ có bệnh lý phải được đề cao hơn. Từ đó mà có định hướng tìm nguyên nhân và điều trị sao cho phù hợp và tiết kiệm cho người bệnh.
✍️ Nếu như nguyên nhân từ phía người mẹ thì dù bạn có thai bằng cách nào đi chăng nữa, kết cục vẫn như nhau. IUI, IVF chỉ là con đường dẫn đến việc có thai mà thôi. Do đó, việc định hướng nguyên nhân ban đầu rất quan trọng, nếu do mẹ mà lại đi làm IVF sàng lọc phôi thì các bạn lạc hướng hẳn rồi; tội người bệnh khi đó tiền mất nhiều mà con thì vẫn mất…
…
👉 Bạn trên, có rất nhiều dữ kiện giúp chúng ta buộc phải loại trừ nguyên nhân phôi lỗi:
– Trẻ tuổi, không tìm thấy yếu tố nguy cơ tăng tỷ lệ phôi lỗi, 4 lần lưu liên tiếp => tỷ lệ phôi dị tật gây lưu thai lần thứ 4 chỉ còn khoảng 50%. Ngay trước khi bắt đầu vào IVF, đã hạn chế nghĩ đến nguyên nhân do phôi lỗi.
– Chuyển 1 phôi đã sàng lọc bình thường, lưu tiếp lần 5. Sau lần này, các bạn phải nhảy số đừng nghĩ đến do phôi nữa.
– 2 lần lưu đúp, một lúc song thai lại còn cùng 1 thời điểm (thai 7 tuần). Chỉ riêng dữ kiện này đã phải nghĩ đến không phải lỗi do phôi. Xác suất 2 phôi dị tật cùng lúc đã là thấp, nếu có cùng dị tật thì nó thường là các dị tật khác nhau thế nên tuổi thai lưu thường phải khác nhau chứ không lưu ở cùng 1 thời điểm như vậy. Và rồi lại còn lưu 2 lần liên tiếp như vậy ! Như vậy lưu 2 lần, mỗi lần là song thai, lưu cùng 1 thời điểm => bắt buộc phải nghĩ đến mẹ có vấn đề, phải cố tìm cho ra bằng được.
…
❌ Đứng trước 1 ca lưu thai liên tiếp chưa tìm ra nguyên nhân, bạn vẽ cho người bệnh đi làm IVF sàng lọc phôi một màu hồng đầy hi vọng, vì bạn cho rằng nguyên nhân gây lưu thai là do phôi lỗi liên tục mà ra thì việc sàng lọc phôi sẽ là con đường hiệu quả. Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy, không hiệu quả hơn so với thai tự nhiên và phôi sàng lọc vẫn sảy lưu như bình thường.
⭕️ Bạn có tự hỏi mình “bạn có dám hứa hẹn với người bệnh là thành công hay không? , nếu không hãy nghĩ đến mức kinh tế của người bệnh”. Trên thực tế, trẻ tuổi lưu 1-2-3 lần liên tiếp thì tiên lượng ca bệnh còn dễ, tỷ lệ thành công còn cao dù thả tự nhiên hay IVF, nên mấy ca đó đi làm IVF vẫn có tỷ lệ thành công nhất định (cũng tương đương nếu thả thai tự nhiên) nhưng chưa đến mức phải lựa chọn con đường đó (trừ phi đã vô sinh, bố mẹ có bất thường NST, hay nhiều yếu tố bất lợi khác như mẹ tuổi cao, niêm mạc mỏng…). Sảy lưu thai liên tiếp là rất khó vì mơ hồ, chắc không ai tự tin hứa hẹn với người bệnh là chắc chắn sẽ thành công, do đó giữa những con đường sêm sêm như nhau thì hãy ưu tiên chọn con đường rẻ tiền cho người bệnh đỡ thêm khổ.
…
🆘 VỚI SẢY THAI LIÊN TIẾP, THAI TỰ NHIÊN LÀ CON ĐƯỜNG TỐI ƯU NHẤT (trừ trường hợp bố mẹ có đột biến di truyền hoặc phát sinh các chỉ định IVF khác). Tối ưu từ tỷ lệ thành công, chi phí và tinh thần (IVF sàng lọc phôi không hiệu quả hơn, chi phí quá đắt đỏ là gánh nặng lớn cho vợ chồng nghèo, rất căng thẳng stre.ss cả sức khoẻ lẫn tinh thần).
…
👉Tôi lại có 2 ví dụ khác,
❤️❤️ (2), tôi gọi là cặp vợ chồng số 2, bạn ấy rất trẻ sinh năm 2k1, 22 tuổi đầu đã phải trải qua 5 lần lưu thai liên tiếp từ năm 18 tuổi (lần 1-2-3-4 đều 7-8 tuần mất tim thai, lần 5 thai trống). Khám cùng 1 trung tâm IVF lớn với bạn số (1), không tìm thấy nguyên nhân lưu thai và được tư vấn làm IVF sàng lọc phôi. Một câu chuyện y hệt, chỉ khác là…chưa xảy ra !
Chuẩn bị tiến hành làm IVF thì lớ ngớ thế nào bạn đến gặp tôi, nhận định tình huống như bạn số (1) và bạn tin tưởng tôi, quyết tâm theo tôi tìm ra cho ra vấn đề. Tôi tìm sâu hơn bệnh lý trên cơ thể bạn ấy; xét nghiệm máu và phẫu thuật soi buồng tử cung được chỉ định. Kết quả: bệnh tự miễn dịch hệ thống, quá sản niêm mạc tử cung, viêm niêm mạc tử cung mạn tĩnh.
Điều trị ổn định các bất thường, tôi cho 2 vợ chồng bạn thả trở lại. 2 vợ chồng trẻ măng, rất dễ đậu thai. Thuốc thang điều trị không cần nhiều, chỉ cần sớm (chủ động) từ ngay trước khi thả vài chu kỳ và thời điểm rụng trứng.
Kết quả, 2 vợ chồng bạn đậu thai ngay lần đầu thả lại, nay bé đã 16 tuần ổn định.
🧠🫀 Tôi tự hỏi, nếu không gặp tôi thì câu chuyện của bạn sẽ đi đến đâu – kéo dài như thế nào? Khó nói, nhưng tư duy và định hướng ban đầu của bác sỹ đầu tiên bạn gặp thăm khám rất quan trọng. Thành hay bại, đơn giản nhẹ nhàng hay phức tạp tốn kém từ đó mà ra !
…
❤️❤️❤️ (3), Hai vợ chồng bạn số (3), làm IVF năm 2022 vì vợ tắc 2 vòi trứng. Chuyển phôi 2 lần:
– Lần đầu 2 phôi N5 loại tốt, đậu cả 2 thai => lưu cả 2 thai mốc 7 tuần
– Lần thứ 2, chuyển tiếp 2 phôi N5 loại tốt, tiếp tục đậu cả 2 thai => lại lưu cả 2 thai mốc 7 tuần.
Bạn có thấy bạn số (2) giống 5 lần đầu của bạn số 1, còn bạn số (3) giống 2 lần cuối của bạn số (1) không?
Tháng 8/2023 bạn tìm đến gặp tôi. Rà lại hồ sơ khám cũ, xem phim tử cung vòi trứng (chụp 2021), ôi trời: vòi trái ứ dịch, vòi phải tắc loa. 2 vòi tiên lượng viêm dính nặng nhiều năm do vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào, mà đã gây viêm đến vòi trứng thì sẽ phải đi qua niêm mạc trước. Chưa kể, sau khi vòi trứng ứ dịch thì cái dịch ứ lại đó ngoài yếu tố viêm còn trở thành 1 dạng hoá chất độc hại gây chết tự nhiên cho phôi thai giai đoạn sớm.
Tôi thực hiện phẫu thuật cắt/ kẹp 2 vòi trứng và thăm dò buồng tử cung cho bạn. Kết quả 2 vòi giãn to như quả chuối, viêm dính hết xung quanh, soi buồng niêm mạc xung huyết toàn bộ dấu hiệu “quả dâu tây” điển hình, viêm niêm mạc mạn tĩnh nặng.
Giải quyết ổ viêm tận gốc, điều trị thuốc nhiều đợt, bao gồm cả trong giai đoạn chuẩn bị niêm mạc và sau khi chuyển phôi.
Bạn tin tưởng tôi tuyệt đối, cũng duyên phận tôi chuyển về viện nơi phôi bạn đang được trữ. Bạn nhờ tôi chuyển phôi lần thứ 3, tiếp tục đậu cả 2 thai và không còn bị cái dớp như 2 lần đầu nữa, 2 bé đã được gần 10 tuần hiện ổn định.







